Các nội dung trong kết luận thanh tra tại Petrolimex về cơ bản được giữ nguyên

Các nội dung trong kết luận thanh tra tại Petrolimex về cơ bản được giữ nguyên

Quý I, phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngày 14/4, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo về công tác quý I/2016. Ngoài  công tác định kỳ, Thanh tra Chính phủ đã thông tin thêm về một số cuộc thanh tra, thực hiện kết luật thanh tra được dư luận chú ý.

Kết luận thanh tra Petrolimex: cơ bản không thay đổi

Ông Ngô Văn Khánh. Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, không có chuyện Petrolimex và các bộ, ngành “phản đối dữ dội” đối với kết luận thanh tra như dư luận lo ngại. Trên thực tế, tại các cuộc họp, Petrolimex đã giải trình với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành về một số vấn đề có ý kiến khác.

Ông Ngô Văn Khánh khẳng định, việc sau khi ban hành kết luận thanh tra vẫn còn ý kiến khác là trường hợp ít khi xảy ra, nhưng đó là điều bình thường. Quy trình thực hiện thanh tra, xây dựng kết luận thanh tra là đúng. Sau kết luận, Thanh tra Chính phủ luôn xác định, trong xử lý nếu có gì chưa chính xác thì phải chủ động kịp thời xem xét.

“Vì có ý kiến khác nhau nên Chính phủ đã triệu tập Thanh tra Chính phủ, Petrolimex, cơ quan quản lý họp và lắng nghe các bên trao đổi lại về các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Sau đó, Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp các bên rà soát từng nội dung còn ý kiến khác nhau rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Khánh cho biết.

Sau khi rà soát, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo gửi Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý để gửi đến các bên để thực hiện. Vì còn rà soát lại nên chưa công bố. Hiện kết luận thanh tra này chưa được công bố bởi có một số vấn đề cần giải thích rõ.

Ông Ngô Văn Khánh nhấn mạnh: “Về cơ bản, các nội dung trong kết luận thanh tra không có gì thay đổi, nhưng có một số số liệu phải được giải thích rõ hơn để dân hiểu là bản chất vấn đề, liệu có phải là mất mát, thất thoát, thiệt hại hay không. Sau khi xong, chúng tôi sẽ sớm thông báo”.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra tại Petrolimex, xác định Petrolimex không thực hiện đúng điều hành giá bán lẻ của Liên bộ Tài chính – Công thương; quản lý hao hụt không đúng dẫn đến chênh lệch giữa hao hụt định mức và hao hụt thực tế khi kiểm kê, đơn giá cước vận tải xăng dầu cao hơn so với các đơn vị thành viên… 

Xăng sinh học đầu tư chưa hiệu quả

Đối với một số cuộc thanh tra được dư luận chú ý nhưng chưa ban hành hoặc chưa công bố kết luận, ông Ngô Văn Khánh thừa nhận, tình trạng chậm là tương đối phổ biến. Đơn cử như cuộc thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) được tiến hành từ tháng 10/2014 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Hay một số cuộc thanh tra khác, được tiến hành từ đầu năm 2013 nhưng đến cuối 2015 mới ban hành kết luận thanh tra.

Theo giải thích của ông Ngô Văn Khánh, nguyên nhân là do nhiều nội dung phải trao đổi làm việc với đơn vị được thanh tra và cơ quan quan lý. Có nội dung giải trình đi giải trình lại, rất mất thời gian.

Với các dự án nhiên liệu sinh học, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 3 dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của PVN gồm Phú Thọ (miền Bắc); Dung Quất (miền Trung) và Bình Phước (miền Nam).

Đoàn thanh tra đã rất thận trọng khi xem xét, đánh giá các nội dung. Các dự án này liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, các nhà thầu, các cơ quan quản lý chuyên ngành nên cần nhiều thời gian, Thanh tra Chính phủ đã họp rất nhiều lần với các bên, kể cả với cơ quan tiến hành tố tụng về một số vấn đề. Hiện đã có dư thảo kết luận và đang xin ý kiến Chính phủ. Dù chưa công bố được kết luận nhưng qua thanh tra đã làm rõ thực trạng đầu tư, chỉ ra các khuyết điểm vi phạm cũng như các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư tiếp theo và một số nội dung đã được chấn chỉnh.

Tương tự, ông Ngô Văn Khánh cho biết, cuộc thanh tra về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế tuy chưa có kết luận chính thức, nhưng đã truy thu hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, việc ban hành kết luận hoặc thông báo kết luận thanh tra có thể chưa thực hiện được ngay, nhưng hiệu quả của công tác thanh tra không vì thế mà bị trì hoãn. Rất nhiều nội dung phát hiện được điều chỉnh ngay khi phát hiện ra trong quá trình thanh tra.

Được biết, trong quý I/2016, toàn ngành thanh tra đã triển khai 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Các cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351 tỷ đồng và 1.973 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 731 tỷ đồng và 335 ha đất. Đồng thời, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 22.619 tỷ đồng và 1.637 ha đất.

Cũng trong quý I/2016, có 60.661 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành với tổng số tiền phạt là 642 tỷ đồng. Ngoài ra, còn kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 156 tập thể, 34 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ việc, 5 đối tượng.             

Tin bài liên quan