Quảng Nam “kêu” lên Chính phủ để xử lý dứt điểm nợ thuế Vàng Bồng Miêu, Vàng Phước Sơn

Vẫn không truy thu được thuế của hai công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Khai thác vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh Quảng Nam lại vừa có văn bản “kêu” lên Chính phủ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan xử lý dứt điểm về nợ thuế và các đề nghị của hai công ty nói trên.

Đến ngày 31/5/2015, hai công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu còn nợ hơn 384 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Vàng Phước Sơn nợ hơn 296 tỷ đồng

Đến ngày 31/5/2015, hai công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu còn nợ hơn 384 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Vàng Phước Sơn nợ hơn 296 tỷ đồng

Chuyện nợ thuế của hai công ty này đã lùm xùm từ lâu, nhưng cho tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, nợ cũ chưa xong, lại tiếp tục phát sinh các khoản nợ thuế mới.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 5/2015, tổng số thuế phát sinh mới phải nộp theo ấn định của cơ quan thuế đối với Công ty TNHHH Khai thác vàng Bồng Miêu là trên 17,8 tỷ đồng. Vàng Bồng Miêu mới nộp trên 5,2 tỷ đồng, như vậy vẫn còn nợ hơn 12,55 tỷ đồng.

Trong khi đó, với Vàng Phước Sơn, tuy Công ty có nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra, không phát sinh thuế tài nguyên và không trả nợ thuế.

Vẫn theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, trong hai năm 2013 - 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tạo điều kiện hỗ trợ cho hai công ty Vàng Phước Sơn và Vàng Bồng Miêu xử lý nợ thuế, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do hai công ty nợ thuế, nợ các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa với số tiền quá nhiều so với khả năng cân đối tài chính, trong khi các ngân hàng không tiếp tục cho vay nên không có nguồn vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán nợ thuế.

Báo cáo của tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, cho đến ngày 31/5/2015, hai công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu còn nợ hơn 384 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Vàng Phước Sơn nợ hơn 296 tỷ đồng. Mặc dù cả Chính phủ và tỉnh đã nhiều lần vào cuộc để giải quyết, tuy nhiên đến nay, hai công ty vẫn chưa có phương án và cam kết thanh toán các khoản nợ thuế. Tỉnh Quảng Nam cũng đã thực thi các biện pháp cưỡng chế thuế nhưng không hiệu quả.

Cụ thể, với Vàng Bồng Miêu, Quảng Nam cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng. Dù Công ty đã đề nghị Cục Thuế cho phép được xuất hóa đơn riêng lẻ cho mỗi lần bán sản phẩm (vàng) trong thời gian tới nhưng không được chấp thuận. Vì thế, Công ty đã có văn bản báo cáo tạm ngừng sản xuất kể từ ngày 17/6/2015.

Trong khi đó, với Vàng Phước Sơn, Quảng Nam cũng cưỡng chế bằng biện pháp tương tự, song đến nay đã hết hiệu lực. Tiếp theo, tỉnh định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, tuy nhiên, đây là việc được Quảng Nam xác định là “rất phức tạp, khó có thể thực hiện được”. Lý do là vì, toàn bộ tài sản của Vàng Phước Sơn đã thế chấp tại các ngân hàng thương mại; tiền, tài sản bên thứ ba đang nắm giữ quá ít.

Do đó, cuối tháng 6/2015, Cục Thuế Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế chỉ đạo xử lý về hình thức cưỡng chế thuế tiếp theo đối với hai công ty trên. Theo Cục Thuế Quảng Nam, thì Điều 211 của Luật Doanh nghiệpsửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 không quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, do đó cơ quan thuế không thể thực hiện tiếp biện pháp cưỡng chế thu thuế theo quy định trước đây.

Khó khăn trong xử lý nợ thuế của Vàng Phước Sơn và Vàng Bồng Miêu còn nằm ở chỗ, cả hai công ty này cho đến nay vẫn không thống nhất cách tính thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường của Quảng Nam. Cả hai công ty đã viện dẫn Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ để tự tính lại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường nhằm giảm số tiền thuế nợ từ năm 2014 trở về trước.

Trước thực tế này, Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan xử lý dứt điểm về nợ thuế và các đề nghị của hai công ty. Đồng thời, yêu cầu cả hai công ty chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục khai thác khoáng sản; nộp đầy đủ các khoản thuế, phí phát sinh vào ngân sách nhà nước; xây dựng phương án trả các khoản nợ thuế, phí theo số liệu do hai công ty tự khai và ấn định của cơ quan thuế...

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu hai công ty huy động các nguồn vốn để khôi phục sản xuất, xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Riêng Vàng Phước Sơn phối hợp với tổ tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để sớm thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, thì nhiều khả năng Vàng Phước Sơn sẽ được tái cơ cấu lại theo hướng VietABank sẽ nắm giữ cổ phần chi phối.

Tin bài liên quan