Thẩm phán gặp khó khăn khi chỉ định quản tài viên và xác định chi phí phá sản

Thẩm phán gặp khó khăn khi chỉ định quản tài viên và xác định chi phí phá sản

Quản tài viên: luật đã có, khó thực thi

(ĐTCK) Quy định về quản tài viên trong Luật Phá sản 2014 được kỳ vọng sẽ giúp quá trình thanh lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản nhanh hơn. Vậy nhưng, trên thực tế, quá trình thực thi chức trách của quản tài viên đang gặp nhiều khó khăn.

So với luật cũ, Luật Phá sản năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015) thể hiện nhiều điểm tiến bộ, là công cụ pháp lý quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Điểm mới nổi bật của Luật là chế định quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh án Tòa kinh tế TAND TP. Hà Nội cho biết, chế định quản tài viên rất mới khiến các thẩm phán gặp không ít khó khăn, lúng túng khi giải quyết vụ việc phá sản.

Ông Tiến phân tích, mỗi vụ án phá sản có bước tiến hành, tính phức tạp khác nhau. Từ việc tiến hành các bước để lập danh sách chủ nợ (trong và ngoài nước), kiểm đếm tài sản ở nhiều địa bàn, có tài sản trục vớt, bảo quản, gửi giữ, lưu kho phải đánh giá thẩm định… Việc chỉ định quản tài viên và cho từng loại vụ việc phá sản riêng lại đòi hỏi trình độ, hiểu biết chuyên ngành khác nhau. Điều này tất yếu dẫn đến cách tính chi phí của các quản tài viên cũng khác nhau.

“Khi liên hệ, một vài người đặt vấn đề với chúng tôi: Tôi phải làm gì? Thù lao thế nào?... Băn khoăn đó cũng chính là khó khăn khi thẩm phán chỉ định quản tài viên và xác định chi phí phá sản”, ông Tiến cho hay.

Luật sư, quản tài viên Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) chỉ ra thực tế là thời gian nhận tạm ứng chi phí cho quản tài viên hiện rất chậm, thủ tục phức tạp. Nghị định 22 quy định chi phí thanh toán cho quản tài viên được lấy từ giá trị tài sản của doanh nghiệp. Nhưng nhiều khi tài sản doanh nghiệp không còn, quản tài viên phải tự bỏ tiền túi, mà khả năng được bồi hoàn thấp.

“Có trường hợp quản tài viên ở TP. HCM, thụ lý vụ án ở TP. HCM, nhưng con nợ ở 30 tỉnh, thành. Riêng chi phí đi lại trong 3 tháng đã mất hơn 300 triệu đồng. 4 kho hàng doanh nghiệp cần kiểm tra, niêm phong đặt ở 4 tỉnh, thành khác nhau. Quản tài viên phải thuê bảo vệ kho hàng tránh thất thoát. Quản tài viên không biết khi nào được tạm ứng, bồi hoàn”, ông Truyền nói.

Bên cạnh vấn đề chi phí cho quản tài viên, ông Tiến cũng cho rằng, Luật mới gặp vướng mắc về tiêu chí chỉ định quản tài viên. Điều 45 quy định, yếu tố quan trọng là “đề xuất của người nộp đơn yêu cầu”.

Vậy xử lý thế nào trong tình huống thẩm phán thấy rằng quản tài viên không phù hợp với tiêu chí. Nếu thay đổi quản tài viên, thẩm phán có phải dựa trên đề xuất của người nộp đơn hay tự chỉ định?

Câu chuyện về quyền và nghĩa vụ của quản tài viên trong trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện cũng được đặt ra. Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 không có quy định quản tài viên là thành phần đại diện cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tiến hành Đại hội đồng cổ đông với nghị quyết khác, quản tài viên có quyền đề nghị tòa hủy nghị quyết không và người thuê doanh nghiệp có được xác định là chủ nợ (hoặc con nợ) tham gia thủ tục phá sản không?

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, tại cuộc tọa đàm về hoạt động hành nghề quản lý và thanh lý tài sản sáng 8/6/2016 do Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức, ông Nguyễn Đình Tiến cho rằng, cần sớm có hướng dẫn cụ thể về căn cứ để thẩm phán dễ dàng ước định chi phí phá sản phải thu.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền đề xuất, TAND Tối cao cần vào cuộc mạnh mẽ để tránh tâm lý e ngại khi tiến hành nhận đơn, thụ lý; ưu tiên quản tài viên đã được chỉ định theo yêu cầu của người nộp đơn, gộp chi phí quản tài viên vào phần lệ phí nộp đơn và quản tài sản có quyền thanh lý, đấu giá một số tài sản có thanh khoản cao ngay trong tiến trình mở thủ tục phá sản. 

Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Đội ngũ này có nhiệm vụ xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ; lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán... Quản tài viên bắt đầu tham gia vụ việc khi được thẩm phán chỉ định và kết thúc khi chấp hành viên thi hành xong quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Tin bài liên quan