Phát hành cho cổ đông hiện hữu, không để các luật vênh nhau

Phát hành cho cổ đông hiện hữu, không để các luật vênh nhau

(ĐTCK) Các quy định về chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi đang “vênh” với quy định của Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho biết đang cân nhắc xử lý tình trạng này.

Dự thảo xung đột với Luật Chứng khoán

Theo dự thảo Luật DN sửa đổi, việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các cách: chào bán cho các cổ đông hiện hữu, trừ trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần; chào bán ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ…

Trong đó, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được dự thảo quy định: là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần phổ thông và chào bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông phổ thông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty… Khi chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, công ty phải thông báo bằng văn bản đến các cổ đông theo phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông.

Thông báo phải được đăng tải đồng thời trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và trang thông tin điện tử của công ty (nếu có) ít nhất trong thời hạn 15 ngày làm việc…

Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nói rằng, thông lệ quốc tế không đặt việc phát hành cho cổ đông hiện hữu phải có nghĩa vụ công bố thông tin như phát hành ra công chúng hay phát hành riêng lẻ ra bên ngoài.

Theo chuyên gia này, khi DN chào bán cổ phần ra công chúng thì phải đáp ứng các điều kiện của cơ quan quản lý, để tránh tác động tiêu cực đến chất lượng chứng khoán trên thị trường. Điều này không xảy ra với các DN đã niêm yết. Hơn nữa, khi DN chào bán cho cổ đông hiện hữu, thì các cổ đông này sẽ bán lại cổ phiếu chứ không hoàn toàn nắm giữ lâu dài, nên việc gửi thông báo đến trực tiếp các cổ đông như dự thảo luật là rất khó thực hiện.

“Cổ đông của các DN niêm yết liên tục biến động. Đây là điểm rất khác so với cổ đông của các công ty không đại chúng, bởi các DN này thường chỉ có vài cổ đông và nắm giữ cổ phần lâu dài”, vị chuyên gia trên nói.

“Khi phát hành tăng vốn, thường cổ đông tại các công ty không đại chúng bỏ tiền mua thêm, nên số lượng cổ đông gần như không thay đổi trong thời gian dài. Với tính chất này, thì quy định như dự thảo là hợp lý với đối tượng là công ty không đại chúng, còn bất hợp lý với công ty đại chúng, niêm yết. Do đó, nếu áp dụng các quy định như dự thảo, thì cả nghìn DN đang niêm yết sẽ thoải mái chào bán cho cổ đông hiện hữu (chào bán ra công chúng), mà không phải chịu sự thẩm định, cấp phép, cũng như giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) như hiện nay”.

Góp ý cho dự thảo Luật DN, UBCK cho rằng, các nội dung liên quan đến phát hành và chào bán chứng khoán trong dự thảo có những xung đột với Luật Chứng khoán. Sự xung đột giữa các quy định liên quan đến chào bán chứng khoán ra công chúng, mua lại cổ phiếu, thẩm quyền quyết định việc phát hành và chào bán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hiện tại của thị trường sơ cấp, nhất là đối với các công ty đại chúng và niêm yết.

Khi chủ trì cuộc họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật DN sửa đổi mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần hoàn chỉnh dự thảo Luật DN sửa đổi theo hướng tránh tồn tại các xung đột với Luật Chứng khoán nói riêng, các đạo luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính nói chung. Vì tính chất đặc thù trong các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, nên các luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động của các lĩnh vực này có vai trò quan trọng, đồng thời các quy định này được xây dựng theo thông lệ quốc tế và đã định hình tính ổn định trong thực tiễn áp dụng.

“Bởi vậy, Luật DN sửa đổi cần tôn trọng thực tế trên, để tránh đưa ra các quy định tạo sự xung đột với các luật chuyên ngành. Luật DN sửa đổi không được đưa ra các quy định mang tính áp đặt không thống nhất, vênh với Luật Chứng khoán và các luật chuyên ngành khác”, ông Giàu đề nghị.

Sẽ cân nhắc xử lý

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ Biên tập Luật DN sửa đổi cho biết, Ban soạn thảo sẽ thảo luận thêm với UBCK để khắc phục tình trạng trên, qua đó đưa ra quy định hợp lý về chào bán cổ phần nói chung, chào bán cho cổ đông hiện hữu nói riêng. Theo đó, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để có thể loại trừ công ty đại chúng, DN niêm yết ra khỏi đối tượng điều chỉnh của quy định về chào bán cho cổ đông hiện hữu. 

Tin bài liên quan