Việc giảm tỷ lệ dự họp và biểu quyết của ĐHCĐ sẽ làm tăng nguy cơ vô hiệu hóa vai trò của nhóm cổ đông thiểu số

Việc giảm tỷ lệ dự họp và biểu quyết của ĐHCĐ sẽ làm tăng nguy cơ vô hiệu hóa vai trò của nhóm cổ đông thiểu số

Nỗi khổ của cổ đông thiểu số

(ĐTCK) Giống như cả hệ thống pháp luật, các Luật Doanh nghiệp từ trước đến nay cũng đi theo hướng bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ và cổ đông thiểu số, được coi như thuộc về nhóm yếu thế. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định bảo vệ quyền lợi chung của mọi cổ đông, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định bất lợi cho cổ đông thiểu số so với trước kia.

Nhỏ cũng tranh chấp như lớn

Theo quy định của Luật Chứng khoán, cổ đông nhỏ phân biệt với cổ đông lớn ở giới hạn sở hữu dưới hay từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ty. Còn Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng như năm 2014 gần như không có quy định nào liên quan đến cổ đông nhỏ hay cổ đông lớn, ngoại trừ một lần nhắc đến cụm từ “cổ đông lớn”.

Luật không quy định về cổ đông thiểu số và cổ đông đa số, nhưng có thể coi cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu số cổ phần không đạt tỷ lệ biểu quyết cần thiết để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông là cổ đông thiểu số. Như vậy, cổ đông nhỏ và nhiều cổ đông lớn, thậm chí sở hữu tới 49% số cổ phần vẫn có thể thuộc vào nhóm cổ đông thiểu số.

Về cơ bản, cổ đông đa số hay cổ đông thiểu số cũng đều nảy sinh các vấn đề tương tự nhau, trong đó có việc tranh chấp trong nội bộ công ty. Chính vì vậy, cả Luật Doanh nghiệp cũ năm 2005 và mới năm 2014 đều quy định, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ là một trong những vấn đề quan trọng bắt buộc phải có trong Điều lệ của công ty.

Tuy nhiên, từ “tranh chấp” chỉ xuất hiện rất ít trong Luật Doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 120 về “Cổ phiếu”, Luật Doanh nghiệp năm 2014: Cổ đông phải “chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp lại cổ phiếu mới” trong trường hợp đề nghị công ty cấp lại cổ phiếu mới, nếu bị mất, bị huỷ hoại hoặc hư hỏng khác. Nhưng, Luật lại có nhiều quy định khác xử lý vấn đề tranh chấp nội bộ công ty, trong đó có việc khởi kiện đối với người quản lý công ty.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC

Quyền khởi kiện người quản lý công ty

Về nguyên tắc, cổ đông dù lớn hay nhỏ, với tư cách là chủ sở hữu công ty, thì đều có quyền kiến nghị, yêu cầu đối với công ty. Và khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột quyền lợi, thì giải pháp cuối cùng là có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý công ty theo quy định tại Điều 161 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc”, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cổ đông có quyền khởi kiện về mọi thứ, nếu như thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các hành vi: Vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty; không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng quản trị; thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác…

Đây là một trong những quyền quan trọng nhất của cổ đông. Tuy nhiên, quyền khởi kiện ra Toà không dành cho cổ đông quá nhỏ. Chỉ cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng trở lên mới có quyền khởi kiện.

Con số tỷ lệ 1% là một nội dung mới của Luật, nhưng thực chất được luật hoá quy định cũ trong Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ “Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”.

Quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông

Cổ đông nhỏ nhất, dù chỉ sở hữu 1 cổ phần với mệnh giá 10.000 VND, cũng có đầy đủ quyền tham dự, phát biểu và biểu quyết tại tất cả các cuộc họp và cuộc lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông. Hai quyền tham dự và phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông là quyền duy nhất của cổ đông nhỏ hoàn toàn ngang ngửa với cổ đông lớn, mà không bị hạn chế bởi bất kỳ quy định nào.

Thế nhưng, trên thực tế, gần như 100% sử dụng sai cụm từ Đại hội đồng cổ đông, vì không hiểu bản chất nó luôn luôn là một cơ quan bao gồm tất tật không thiếu bất kỳ một cổ đông nào. Đại hội đồng cổ đông có từ trước khi đăng ký khai sinh doanh nghiệp và liên tục tồn tại cho đến khi nào công ty chấm dứt hoàn toàn hoạt động. Vì vậy, để nói về hoạt động, hội họp, luôn luôn phải có các từ cuộc họp, kỳ họp, phiên họp, buổi họp ở trước… chứ không thể gọi là Đại hội đồng cổ đồng thường niên, bất thường hay năm 2015 hoặc lần thứ 3, thứ 5.

Tuy nhiên, quyền dự họp và phát biểu chỉ là hình thức, là hư quyền, còn kết quả cuối cùng luôn được khẳng định bằng lá phiếu biểu quyết, là thực quyền, thì quyền của cổ đông nhỏ gần như không có ý nghĩa.

Điều này cũng hoàn toàn đúng với triết lý cơ bản nhất là, bảo vệ cổ đông nhỏ là không để mất đi quyền mà họ đáng được hưởng, chứ không phải là tăng thêm quyền trong mối tương quan với cổ đông lớn.

Hầu như các quyền của cổ đông đều như vậy, đó là quyền nhận cổ tức, quyền ưu tiên mua cổ phần mới, quyền tự do chuyển nhượng cổ phần…, nhưng đã có những quy định mới xuất hiện ảnh hưởng đến quyền của cổ đông thiểu số.

Luật mới về bảo vệ cổ đông thiểu số

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Giảm tỷ lệ dự họp Đại hội đồng cổ đông tối thiểu từ 65% xuống 51%; giảm tỷ lệ biểu quyết tối thiểu của Đại hội đồng cổ đông tuỳ theo vấn đề, từ 65% và 75% xuống 51% và 65%; bỏ quy định về nhiệm kỳ hội đồng quản trị (5 năm), mà chỉ có nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản trị; bỏ việc bắt buộc phải bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát theo phương thức dồn phiếu (Điều 144, “Điều kiện để nghị quyết được thông qua”).

Giảm tỷ lệ dự họp và biểu quyết của Đại hội đồng cổ đông là việc làm hoàn toàn cần thiết để sửa sai luật cũ. Tuy nhiên, làm tăng nguy cơ vô hiệu hóa vai trò của nhóm cổ đông thiểu số.

Nếu trước kia, nhóm cổ đông sở hữu trên 35% luôn có vai trò phủ quyết, thì nay có thể mất tác dụng, thậm chí nhóm cổ đông sở hữu 49% cũng đành phục tùng nhóm cổ đông sở hữu 51%.

Việc hạ thấp tỷ lệ biểu quyết, đồng thời bỏ quy định về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị và cho phép không bắt buộc phải bầu cử theo phương thức dồn phiếu sẽ dẫn đến nguy cơ cổ đông thiểu số bị mất quyền bầu đại diện của mình vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Bầu cử theo nhiệm kỳ cả Hội đồng quản trị, tức là cùng một lúc bầu từ 3 đến 11 thành viên Hội đồng quản trị (hoặc số lượng khác theo quy định của Điều lệ) và bầu dồn phiếu, thì ứng viên chỉ đạt một vài chục phần trăm phiếu bầu thì vẫn có thể trúng cử, miễn là lấy đủ số lượng thành viên theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Nhóm cổ đông đa số sẽ bầu được đa số thành viên, nhóm cổ đông thiểu số cũng sẽ bầu được thiểu số thành viên tương ứng. Luật mới cho phép bầu lẻ tẻ một vài thành viên và không dồn phiều, thì ứng viên trúng cử phải đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu là 65% hay 51% và nhóm cổ đông đa số luôn là người quyết định cuộc chơi như đối với các loại biểu quyết khác.

Nếu như trước đây, nhóm cổ đông sở hữu 10 - 20% cổ phần là đã có nhiều khả năng bầu được đại diện thành viên Hội đồng quản trị của mình, thì đến nay, thậm chí sở hữu 49% cũng không có đại diện nào trong Hội đồng quản trị. Đây là “thiệt hại” lớn nhất đối với nhóm cổ đông thiểu số.

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, các công ty đã thành lập và hoạt động trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực vào ngày 1/7 tới, nếu muốn giảm thấp các tỷ lệ, bỏ nhiệm kỳ Hội đồng quản trị (nhưng lại vẫn có quy định khác rất mâu thuẫn về nhiệm kỳ Hội đồng quản trị) và phương thức bầu dồn phiếu nói trên, thì bắt buộc phải sửa đổi Điều lệ với tỷ lệ biểu quyết tối thiểu đạt 75%.

Nhóm cổ đông thiểu số sở hữu dưới 50% cổ phần có cơ hội cuối cùng để giữ quyền cho mình, đó là việc không biểu quyết thông qua việc thay đổi Điều lệ. Tất nhiên, đó chưa hẳn là điều đúng đắn và tốt hơn cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan