Nhiều rủi ro rình rập với bảo lãnh thanh toán

Nhiều rủi ro rình rập với bảo lãnh thanh toán

(ĐTCK) Một hợp đồng kinh tế có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng thường giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi đặt bút giao dịch. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, những rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong nghiệp vụ này có thể đẩy doanh nghiệp vào đoạn trường thu hồi nợ.

Nghiệp vụ bảo lãnh được ngân hàng và doanh nghiệp rất ưa chuộng. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều hợp đồng không được thực hiện khi có yêu cầu và điều này đến từ muôn vàn lý do khác nhau.

Chẳng hạn, mới đây, ngày 29/3/2017, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của Công ty Hyundai Aluminum Vina đòi Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khoản nợ gần 1,2 tỷ đồng. Nguyên nhân Công ty Hyundai Aluminum Vina bị từ chối là do nộp hồ sơ quá thời hạn bảo lãnh 11 ngày. Sự chậm trễ này một phần xuất phát từ suy nghĩ của Công ty là “thư bảo lãnh bảo đảm uy tín trong kinh doanh nên không câu nệ quy định”.

Theo trình bày của Hyundai Aluminum Vina, Công ty chuyên cung cấp mặt hàng nhôm cho Công ty cổ phần Tâm Gia, hai bên vốn là bạn hàng. Năm 2014, Công ty Tâm Gia phát sinh khoản nợ. Hai bên đã ngồi lại với nhau tìm cách giải quyết nhưng không đạt được kết quả.

Trước đó, Vietcombank đã phát hành chứng thư bảo lãnh có điều kiện ngày 8/10/2013 cho Công ty Tâm Gia, với tài sản thế chấp có giá trị hơn 8 tỷ đồng, đảm bảo nhiều nghĩa vụ. Chứng thư có thời hạn đến hết ngày 3/10/2014.

Theo đó, Vietcombank cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên được bảo lãnh xuất trình đầy đủ các tài liệu, trong đó có bản gốc biên bản xác nhận công nợ. Bên thụ hưởng phải nộp hồ sơ yêu cầu trước thời hạn 10 ngày.

Do việc đàm phán với khách hàng không thành công, ngày 2/10/2014, Công ty mới gửi hồ sơ yêu cầu Vietcombank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Gửi hồ sơ sát thời hạn nhưng Công ty lại nộp thiếu biên bản giao nhận hàng hóa, bản sao hóa đơn giá trị gia tăng.

Đến ngày 14/10/2014, Công ty Hyundai Aluminum Vina mới bổ sung đầy đủ giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, thời điểm này lại quá thời hạn bảo lãnh đến 11 ngày. Vì vậy, Vietcombank đã từ chối thực hiện bảo lãnh. Công ty phải nhờ tòa án phân xử.

Hội đồng xét xử xác định, căn cứ theo Điều 153, 371 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 21 Thông tư 28/2012/NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, hiệu lực của cam kết bảo lãnh đã hết. Như vậy, Công ty Hyundai Aluminum Vina chỉ có thể buộc khách hàng trả nợ. Việc này trở nên bất khả thi trên thực tế vì Công ty Tâm Gia đã phá sản, mất hoàn toàn khả năng thanh toán.

Một rủi ro bảo lãnh khác cũng thường xảy ra là đối với hình thức phát hành thư tín dụng (L/C), thường được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong hợp đồng thương mại quốc tế. Minh chứng mới nhất là vụ tranh chấp giữa Công ty STX (Hàn Quốc) và doanh nghiệp tư nhân Hồng Xuân.

Năm 2015, hai bên ký kết hợp đồng bán thép cuộn xuất xứ Hàn Quốc, trị giá 290.955 USD, hình thức thanh toán 100% bằng thư tín dụng không hủy ngang. Theo yêu cầu của Công ty STX, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á Chi nhánh Hải Phòng (DongA Bank) phát hành thư tín dụng L/C, cam kết thanh toán số tiền, thời hạn đến ngày 6/5/2015.

Ngày 22/5/2015, Công ty STX giao lô hàng, số lượng hơn 583.000 tấn thép về Cảng Hải Phòng, trị giá 275.642 USD. Ngày 29/5/2015, Công ty STX cung cấp chứng từ để được thanh toán theo L/C phát hành. Tuy nhiên, DongA Bank từ chối đề nghị trên vì chứng từ không hợp lệ do số lượng hàng vượt quá quy định trong hợp đồng.

Do đối tác giao hàng không đúng chủng loại hàng hóa, doanh nghiệp tư nhân Hồng Xuân cũng từ chối nhận lô hàng trên. Ngày 9/7/2015, DongA Bank hủy L/C theo yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân Hồng Xuân. Để giảm thiểu thiệt hại, Công ty STX buộc phải bán lô hàng trên cho các đối tác khác.

Cho rằng bị thiệt hại, Công ty STX khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Hồng Xuân ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC. Ngày 29/9/2016, VIAC ra phán quyết buộc doanh nghiệp tư nhân Hồng Xuân phải trả số tiền hơn 900 triệu đồng. Mới đây, Hội đồng xét đơn Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên hủy phán quyết trên do vi phạm điều khoản Luật Trọng tài thương mại 2010.

Như vậy, rủi ro pháp lý bảo lãnh thanh toán có thể đến từ nhiều lý do. Để hạn chế điều này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp phải làm rõ các khái niệm và cách hiểu, tạo ra một sự cân bằng nhất định trong nội dung chứng thư để tránh những mâu thuẫn không cần thiết khi yêu cầu thực hiện việc bảo lãnh.

Tin bài liên quan