Nhiều doanh nghiệp sập bẫy bảo lãnh thanh toán khống

Nhiều doanh nghiệp sập bẫy bảo lãnh thanh toán khống

(ĐTCK) Cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng cấu kết với các đối tượng phát hành 9 chứng thư bảo lãnh thanh toán khống, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp như Vicem, Comeco, Hadico, PV2...

Cấp thư bảo lãnh vượt thẩm quyền

Theo cáo trạng, Lê Quý Hiển (sinh năm 1977, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần từ năm 2010.

Theo quy định của ngân hàng, mức phê duyệt bảo lãnh tối đa của chi nhánh này là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2012, Hiển cấu kết với các đồng phạm ký phát hành trái quy định 9 chứng thư bảo lãnh thanh toán khống tổng giá trị gần 150 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp. Các thư bảo lãnh đều vượt thẩm quyền, trái quy định, không có hồ sơ, không phát sinh thu phí bảo lãnh, không có tài sản đảm bảo.

Từ ngày 15//5/2017, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử đối với bị cáo Lê Quý Hiển và 14 đồng phạm nguyên là giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dự kiến phiên tòa sẽ kết thúc vào ngày 18/5 tới.    

Cuối năm 2011, Đỗ Thị Trang (Giám đốc CTCP Đầu tư sản xuất và thương mại Việt Thanh) thống nhất với Hiển tìm nguồn tiền cho vay để cùng sử dụng. Thông qua giới thiệu, Trang gặp Lê Văn Sơn (Phó Phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội-Hadico) thanh lý số lượng 1.150 tấn thép xây dựng, trị giá 20 tỷ đồng. Lê Quý Hiển đồng ý cấp bảo lãnh thanh toán với điều kiện, khi có tiền, nếu Hiển cần đáo hạn nợ xấu thì Trang phải giúp.

Để hợp thức đầu vào và đầu ra hàng hóa, Hiển nhờ Giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi. Thực tế, từ cuối năm 2011, Công ty Vạn Lợi đã ngừng hoạt động, dư nợ ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng. Công ty Việt Thanh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các đối tượng đã lập ra các công ty “bù nhìn” để mua bán hàng hóa.

Sau khi nhận số tiền 17,7 tỷ đồng của Hadico, Trang rút 6 tỷ đồng. Số tiền 11,7 tỷ đồng còn lại, Hiển sử dụng để đáo hạn nợ xấu cho 45 khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân. Hiện các bị can mới khắc phục 9,5 tỷ đồng.

Do tính chất phức tạp của vụ việc, có nhiều đối tượng tham gia, cơ quan điều tra tách rút tài liệu điều tra xử lý sau.

Nhiều doanh nghiệp thiệt hại

Từ tháng 1-3/2012, Nguyễn Tuấn Anh (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu mới Á Âu) bàn bạc với Lê Quý Hiển rằng, có một số doanh nghiệp dư vốn có nhu cầu cho vay dưới hình thức ký kết hợp đồng mua bán hàng trả chậm từ 3-4 tháng, lãi suất 4%/tháng. Hiển đồng ý phát hành bảo lãnh khống để Tuấn Anh sử dụng ký hợp đồng hợp thức hóa hồ sơ.

Tuấn Anh chủ động nhờ Ngô Công Hà (Giám đốc Công ty Tân Việt) môi giới tìm đối tác giao dịch mua bán hàng hóa trả chậm. Hà trực tiếp thỏa thuận, giao dịch với CTCP Vicem thương mại xi măng. Ngày 5/1/2012, Công ty Vicem thương mại xi măng và Công ty Vicem Á Âu ký hợp đồng mua bán lô thép cuộn với khối lượng 468 tấn, trị giá 8,1 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận với Tuấn Anh, Hiển ký khống thư bảo lãnh cho Công ty Á Âu. Thực tế, các giao dịch mua bán hàng hóa đều không có thật. Công ty Tân Việt vừa là đầu vào, vừa là đầu ra trong giao dịch hàng hóa.

Nguyễn Tuấn Anh khai nhận, thực tế không có hoạt động mua bán hàng hóa, mà là vay tiền của Công ty Vicem thương mại xi măng với lãi suất 3,5%/tháng/giá trị hợp đồng. Để “qua mặt” Hiển, Tuấn Anh và Hà chuyển tiền vào tài khoản khác là Công ty TNHH Lắp máy AICI.

Tuy nhiên, xác minh tại Công ty Vicem thương mại xi măng cho thấy, có việc hạch toán công nợ hợp đồng mua bán giữa Công ty Tân Việt và Công ty Á Âu đúng theo chứng từ mua bán. Các lãnh đạo, cán bộ của Công ty Vicem thương mại xi măng khẳng định không có việc cho vay lãi.

Cơ quan điều tra xác định, việc thất thoát tiền tại Công ty Vicem thương mại xi măng xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo công ty này gồm: Trần Quang Nam (nguyên Phó Phòng phụ trách Phòng Kinh doanh vật liệu xây dựng), Đinh Xuân Cầm (nguyên Kế toán trưởng) và Nông Tuấn Dũng (Phó giám đốc).

Ngoài ra, Tuấn Anh cùng Hiển còn chiếm đoạt số thép trị giá 10,6 tỷ đồng của Công ty An Đô và 4,4 tỷ đồng của Công ty Hồng Hà.

Tương tự, Hiển cấu kết với Nguyễn Tô Hiệu (Giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng Nhật Nam), Phạm Ngọc Nam (cựu nhân viên Ngân hàng VDB, Tổng giám đốc CTCP Điện tử Viễn thông Việt và Công ty TNHH Điện tử Huyndai Việt Nam) phát hành khống các chứng thư bảo lãnh thanh toán, chiếm đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp là Công ty TNHH Thép Thành Đô, CTCP Đầu tư PV2, CTCP Vật tư xăng dầu (Comeco) và Xí nghiệp Thương mại dầu khí hàng không miền Nam (Xí nghiệp Vinapco).

Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Hiển có trách nhiệm bồi thường cho Hadico 8,8 tỷ đồng; Công ty Thành Đô 3,9 tỷ đồng; PV2 là 8,7 tỷ đồng và Comeco 23,4 tỷ đồng.    

Tin bài liên quan