Các lãnh đạo, quản lý điều hành ngân hàng là người cần nhận thức rõ nhất về rủi ro pháp lý

Các lãnh đạo, quản lý điều hành ngân hàng là người cần nhận thức rõ nhất về rủi ro pháp lý

Nhận thức rủi ro pháp lý của ngân hàng mới chỉ... vừa chừng!

(ĐTCK) Con số thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng trong những vụ án lớn về ngân hàng thời gian qua không phải điều đáng lưu tâm lớn nhất dành cho giới ngân hàng. 

Chính những rủi ro pháp lý xung quanh các giao dịch nghiệp vụ tạo thành vụ án mới tác động sâu sắc vào nhận thức của ngành này. Đằng sau các vụ án, bài học cần thiết cho các ngân hàng là sự thay đổi về nhận thức để đi đến hành động cần thiết trong phòng chống rủi ro pháp lý.

Trước hết, ai nhận thức về rủi ro pháp lý cũng không quan trọng bằng chính các vị lãnh đạo, quản lý điều hành ngân hàng. 15 năm trước đây, rủi ro pháp lý còn chưa có chỗ đứng vững chãi trong nhận thức và lý thuyết kinh doanh của nhiều lãnh đạo ngân hàng. Đến giữa năm 2004, chỉ có 2 ngân hàng trong khối ngân hàng cổ phần có sự thành lập và tồn tại một bộ phận tư vấn pháp luật nội bộ chuyên biệt (phòng, bộ phận pháp chế).

Ngày nay, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam đã thành lập phòng pháp chế hay phòng tư vấn pháp luật nội bộ trong hệ thống. Điều đó cho thấy phần nào sự nhìn nhận nâng cao trong quan điểm của ban lãnh đạo ngân hàng về tầm quan trọng của quản trị rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, nhiều vụ án xảy ra thời gian qua phản ánh dấu hỏi trong việc sử dụng tham vấn rủi ro pháp lý của nhiều lãnh đạo ngân hàng. Có vụ án cho thấy, giao dịch giá trị lớn của ngân hàng đã được tiến hành mà không cần tham khảo ý kiến của bộ phận pháp chế nội bộ, mặc dù ngân hàng có bộ phận này. Ở một số vụ án khác, ngân hàng vẫn phải gánh chịu hậu quả rủi ro pháp lý cực lớn từ giao dịch tín dụng, mặc dù có sự hiện diện tư vấn của bộ phận pháp chế.

Nguyên nhân hoặc là những người quản lý, lãnh đạo đã không màng đến sự tư vấn, đánh giá rủi ro pháp lý của bộ phận pháp chế nội bộ, hoặc bộ phận này đã không đủ trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm để tư vấn hiệu quả phòng ngừa rủi ro cho chính lãnh đạo ngân hàng. Trong cả hai trường hợp đều có thể khách quan kết luận, sự quan tâm nhận thức và hành động phòng chống rủi ro pháp lý của nhiều lãnh đạo, quản lý ngân hàng chưa tương xứng với giao dịch mà họ thực hiện.

Nói một ngân hàng phòng ngừa rủi ro pháp lý tốt, thì trọng yếu là cán bộ ngân hàng nhận thức và hành động tốt về quản trị rủi ro pháp lý. Mong đạt được điều đó, hầu hết ngân hàng đã trang bị cả hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ để cán bộ ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, trong hàng loạt vụ việc đã và đang xảy ra, người ta không nhìn thấy giá trị phòng ngự của các hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ này. Điển hình như vụ khách hàng bị mất trắng hơn 400 tỷ đồng từ 17 thẻ tiết kiệm xảy ra tại một ngân hàng thời gian gần đây. Có dấu hiệu cho thấy cán bộ ngân hàng đã bỏ qua các quy trình, lập khống các thẻ tiết kiệm, lợi dụng chức vụ, vị trí, thương hiệu ngân hàng để chiếm đoạt tiền từ người gửi tiền.

Những vụ việc như vậy thể hiện rằng, giữa hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ và cán bộ ngân hàng thiếu đi một sợi dây kết nối - đó chính là nhận thức về rủi ro pháp lý. Thực tiễn ở nhiều ngân hàng, qua các vụ án hình sự cho thấy, nhận thức về rủi ro pháp lý của cán bộ ngân hàng mới chỉ... vừa chừng, họ không hề biết sợ về rủi ro trách nhiệm pháp lý của chính bản thân mình. Bởi vậy, việc đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có ý thức tuân thủ bảo vệ rủi ro pháp lý cho ngân hàng là điều không tưởng.

Khác với những giao dịch nghiệp vụ truyền thống luôn theo quy trình, thì những giao dịch đặc biệt thường dựa trên sự sáng tạo cấu trúc giao dịch của những bộ phận nghiệp vụ đặc biệt. Điển hình như hoạt động của các bộ phận giao dịch khối nguồn vốn, đầu tư, kinh doanh ngoại tệ. Đây là những bộ phận ít nhân sự, nhưng mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng. Các bộ phận này tự mình hoặc kết hợp với một số đối tác tư vấn pháp lý ngoài ngành, tạo nên nhiều cấu trúc giao dịch mới, thỏa thuận mới.

Thực tiễn cho thấy, trong nhiều vụ án hậu quả rủi ro pháp lý đã bộc lộ từ những cấu trúc giao dịch của những bộ phận nghiệp vụ đặc biệt này. Đằng sau những nội dung lằng nhằng về câu từ, phức tạp hóa về diễn giải, người ta dễ dàng tìm ra sự đơn giản hóa đến mức thiếu vắng nội dung phòng ngừa các rủi ro pháp lý thật sự cho giao dịch. Chỉ đến khi các rủi ro pháp lý được bộc lộ từ các giao dịch, giới ngân hàng mới nhận thấy rằng, sự sáng tạo kinh doanh cần song hành với năng lực am hiểu, kinh nghiệm phòng ngừa rủi ro pháp lý chuyên sâu từ chính lĩnh vực ngân hàng.

Tin bài liên quan