Nhận một cuộc điện thoại lạ, 3 nạn nhân mất hơn 2 tỷ đồng

(ĐTCK) Từ một cuộc điện thoại, ba nạn nhân chuyển hơn 2 tỷ đồng vào tài khoản lạ. Đường dây lừa đảo được nhóm đối tượng do nữ quái Lê Thị Huyền Trang cầm đầu rút toàn bộ số tiền trên rồi chuyển sang Đài Loan.

Trung tuần tháng 11/2015, chị Nguyễn Thị Thơm (TPHCM, giáo viên mầm non) trình báo với công an bị chiếm đoạt 700 triệu đồng. Chị Thơm kể, chị nhận được điện thoại từ số máy lạ báo chị còn thiếu tiền cước phí số tiền 8,9 triệu đồng.

Theo hướng dẫn, chị Thơm được nối đến số máy của một người đàn ông tự xưng là “thiếu úy công an Hà Nội”.

Người này nói: “Vụ việc này rất quan trọng, chị đang có tên trong danh sách 500 hồ sơ tội phạm trong vụ hai nhân viên ngân hàng ăn cắp hồ sơ đưa ra ngoài”. Sau đó, chị Thơm được chỉ dẫn nói chuyện với người đàn ông tên Minh - “Trưởng công an TP Hà Nội”.

Vì lo sợ, chị Thơm răm rắp nghe theo lời Minh và khai chi tiết số tài khoản, số tiền trong sổ tiết kiệm. Do bị ép buộc, chị Thơm chuyển toàn bộ số tiền 700 triệu đồng vào tài khoản được yêu cầu. Số tiền này lập tức được rút ra.

Thời điểm này, cơ quan điều tra cũng nhận được trình báo của các ngân hàng về việc có đối tượng dùng chứng minh nhân dân giả rút tiền.

Khi vào cuộc, cơ quan điều tra xác minh, phát hiện đường dây rút tiền rất tinh vi do Lê Thị Huyền Trang (SN 1982, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cầm đầu.

Tại cơ quan điều tra, Trang thừa nhận, năm 2000 xuất khẩu lao động sang Đài Loan và quen biết Trấn (quốc tịch Đài Loan). Về nước nhưng Trang vẫn thường xuyên trao đổi công việc với Trấn qua mạng internet.

Tháng 8/2015, Trấn hỏi Trang về việc tham gia chương trình rửa tiền. Theo lời Trấn sẽ có nguồn tiền chuyển về Việt Nam từ nước ngoài nên cần người đứng ra rút tiền. Qua trao đổi, Trang được nickname333 hướng dẫn hình thức rút tiền. Đầu tiên là tìm người có ảnh, làm chứng minh nhân dân giả, mở tài khoản ngân hàng và rút tiền. Số tiền rút được sẽ có người đến lấy. Trang được hứa trả công 23%/tổng số tiền rút được.

Cựu nhân viên ngân hàng “nhúng chàm”

Do quen biết Hồ Ngọc Dương (SN 1974, cựu nhân viên ngân hàng ACB), Trang bàn bạc với Dương thống nhất thực hiện. Dương rủ thêm Nguyễn Hồng Hải (SN 1972) và Hoàng Anh Quang (SN 1990), Nguyễn Đình Việt Anh (SN 1992) cùng tham gia. Cả bọn làm giả 3 chứng minh nhân dân và mở các tài khoản ngân hàng.  

Chưa đầy 1 tuần (từ ngày 10-16/11/2015), Lê Thị Huyền Trang và đồng bọn đã cầm chứng minh nhân dân giả, rút tổng số tiền 2,1 tỷ đồng từ hành vi lừa đảo của nhóm người Trung Quốc.

Nhận một cuộc điện thoại lạ, 3 nạn nhân mất hơn 2 tỷ đồng ảnh 1

 Lê Thị Huyền Trang và đồng bọn đã sử dụng chứng minh giả, mở tài khoản để rút tiền của người bị hại

Ngoài trường hợp chị Thơm, ba nạn nhân khác cũng nhận được điện thoại thông báo nợ cước phí và liên quan đến việc làm ăn phi pháp, rửa tiền. Theo yêu cầu, các bị hại chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản do bọn chúng cung cấp và cũng bị nhóm của Trang rút số tiền trên.

Số tiền chiếm đoạt của các bị hại, Trang và đồng bọn giữ lại theo tỷ lệ ăn chia. Cụ thể, Trang và Dương mỗi người hưởng 182 triệu đồng Hải 101,6 triệu đồng; Quang 21 triệu đồng. Số còn lại Trang chuyển cho Lâm Nhân Phong (SN 1979, quốc tịch Trung Quốc). Phong chuyển tiếp số tiền trên cho đối tượng người Đài Loan (chưa rõ nhân thân, lai lịch).

Hành vi của Trang, Dương, Hải, Quang phạm vào tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản và tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Hành vi của Lâm Nhân Phong vào tội Sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản.

Hành vi của Việt Anh phạm vào tội Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đối với nhóm đối tượng Đài Loan, do chưa làm rõ được lai lịch, cơ quan điều tra tách rút tài liệu xử lý sau.

Ngày 31/3, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án trên. Nhưng do thiếu mặt các bị hại, phiên tòa phải tạm hoãn. 

Tin bài liên quan