Nghịch lý lắm giấy phép con nhưng vẫn nhiều hàng giả

Nghịch lý lắm giấy phép con nhưng vẫn nhiều hàng giả

(ĐTCK) Dù một sản phẩm có thể cõng cả chục loại giấy phép con, nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc lại tràn lan trên thị trường. 

Hàng giả tràn lan

Tại Tọa đàm “Giảm ánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” sáng 23/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã phải thốt lên: “Về thị trường, không nước nào hàng giả, hàng nhái, hàng phi tiêu chuẩn nhiều như nước ta, dù có rất nhiều giấy phép, giám sát cũng chặt chẽ lắm. Điều này khá lạ lùng. Tôi đơn cử, nhiều hộ nông dân nuôi được con gà, mang được quả trứng ra bán rất khó khăn, nhưng trứng nhập lậu, trứng kém chất lượng lại đầy ngoài thị trường”

Thực tế, có những mặt hàng phải chịu đến trên 10 loại giấy phép, tức là khâu kiểm soát bước một rất chặt. Tuy nhiên, khâu hậu kiểm lại bị buông lỏng, hàng lậu, hàng giả tràn lan, dẫn đến tâm lý lo sợ với người tiêu dùng.

“Điều này, vô hình trung đã kích cầu cho hàng nhập khẩu và ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước. Có những mặt hàng nhập khẩu có giá cao gấp hàng chục lần hàng sản xuất trong nước và người hưởng lợi là các doanh nghiệp nước ngoài", ông Đông cho biết thêm.

Chia sẻ về sự yếu kém trong công tác hậu kiểm, ông Ngô Văn Điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết: “Tiền kiểm đã có vẻ rất chặt với nhiều loại giấy phép. Còn khâu hậu kiểm, chúng ta làm chưa tốt, có thể do thỏa thuận ngầm chứ không phải do năng lực”.

Chúng ta đang thúc đẩy cải cách hành chính, giảm bớt giấy phép con để tạo sự thông thoáng cho môi trường kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, phải làm chặt hơn nữa khâu hậu kiểm, tránh việc thỏa thuận ngầm, đi đêm giữa các doanh nghiệp làm ăn phi pháp với cơ quan quản lý để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường.

Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa kinh doanh

Bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật, các chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp của mình

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, môi trường có thể thay đổi hành vi con người. Chẳng hạn, khi đi ra nước ngoài, chúng ta không dám vượt đèn đỏ vì ở đó không ai vượt đèn đỏ và chúng ta ý thức rằng pháp luật nước đó rất nghiêm.

"Để cải thiện vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nâng cao văn hóa kinh doanh, thì chúng ta phải tạo ra môi trường tốt bằng cải cách thể chế, giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước vào môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp đủ thông minh để họ tự điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp của mình”, ông HIếu nói.

Cải cách hành chính mà cụ thể là giảm các loại giấy phép con là một yêu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, để làm lành mạnh thị trường, theo ông Điểm, cần làm tốt hơn công tác hậu kiểm, đưa việc xây dựng văn hóa kinh doanh thành một hoạt động chủ đạo của các doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.

Tin bài liên quan