Nghi vấn vi phạm trong tổ chức đấu thầu tại Cục Thuế TP.HCM

Mặc dù bài “Nản lòng với bệnh coi nhẹ hàng Việt” đăng trên Báo Đầu tư (số 137, ngày 14/11/2016) đã chỉ ra những vi phạm các quy định về pháp luật đấu thầu trong hồ sơ mời thầu các gói thầu tại 2 dự án do Cục Thuế TP.HCM làm chủ đầu tư, nhưng mới đây, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đấu thầu tiếp tục bảo lưu quan điểm.      

Làm rõ nghi vấn vi phạm?

Tại 2 buổi làm việc giữa phóng viên Báo Đầu tư với lãnh đạo Cục Thuế Thành phố và tư vấn đấu thầu vào các ngày 17 và 18/11/2016, cả chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu đều khẳng định, yêu cầu xuất xứ cụ thể trong hồ sơ mời thầu 2 gói trên không vi phạm pháp luật đấu thầu về hành vi phân biệt đối xử.

Để độc giả tiện theo dõi, trước khi dẫn giải những lý lẽ của chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu, xin nhắc lại những nghi vấn đã được đăng tải trên Báo Đầu tư.

Nghi vấn vi phạm trong tổ chức đấu thầu tại Cục Thuế TP.HCM ảnh 1

Dự án trụ sở làm việc của Chi cục Thuế quận Phú Nhuận đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Lê Toàn 

Gói thầu số 5 (Cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy thuộc Dự án Xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận Phú Nhuận) được phát hành ngày 1/11/2016 theo Quyết định số 4702/QĐ - CT do Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm ký ngày 31/10/2016. Hồ sơ mời thầu gói này yêu cầu cung cấp 2 thang máy tải khách loại 12 điểm dừng, tải trọng 1.050 kg, tốc độ 105 m/phút.

Trong điểm 2.2, Mục 2 về yêu cầu kỹ thuật được nêu rõ trong hồ sơ mời thầu như sau: “Thang máy do các nhà thầu cung cấp phải do các hãng nổi tiếng thuộc các nước công nghiệp phát triển G7 sản xuất, mới 100%, sản xuất năm 2016 trở về sau”; còn tại mục 3, phần tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu thì ghi: “Thang máy thương hiệu các hãng thuộc nhóm nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Nhật (các nước G7) được áp thang điểm tốt đa là 10 điểm. Các thương hiệu thuộc nhóm nước EU được áp 4 điểm và các trường hợp khác được 2 điểm”. 

Gói thầu số 4 (Cung cấp và lắp đặt thang máy thuộc dự án trụ sở làm việc Chi cục Thuế quận 5). Hồ sơ mời thầu gói thầu này được phát hành ngày 3/11/2016 theo Quyết định số 4713/QĐ-CT, với mục tiêu mua sắm 2 thang máy tải khách, loại 750 kg, 13 điểm dừng, tốc độ 105 m/phút, riêng thang máy P2 có cửa tầng có khả năng chống cháy đến 120 phút.

Phần yêu cầu thông số kỹ thuật nêu rõ xuất xứ từ các nước G7 hoặc ASEAN, mới 100%, sản xuất năm 2016 trở về sau. Tại Chương II (Bảng dữ liệu đấu thầu trong phần chỉ dẫn nhà thầu) yêu cầu nhà thầu phải có cam kết hàng hóa thuộc các hãng sản xuất tại các nước G7.

Chưa hết, trong phần tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, mục tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật quy định: “Tiêu chuẩn chế tạo và công nghệ thuộc nhóm nước G7 được đánh giá là đạt; các trường hợp khác không đạt”.

Khi tham chiếu các văn bản pháp luật hiện hành về đấu thầu có thể thấy, các yêu cầu trên đã vi phạm khoản 2, Điều 12 (quy định về lập hồ sơ mời thầu) tại Nghị định số 63/NĐ-CP, bởi hồ sơ mời thầu nêu các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng. Không những vậy, hồ sơ mời thầu của cả 2 gói thầu này đều phớt lờ khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/NĐ-CP (ngày 26/6/2014) quy định không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

Các yêu cầu được đưa ra trong hồ sơ mời thầu cũng đã vi phạm các quy định tại mục C, khoản 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT về chủ ý đưa ra các điều kiện nhằm tạo lợi thế cho một, hoặc một số nhà thầu gây ra sự canh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

Hơn thế, có vẻ như khi lập hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đấu thầu đã “quên” Văn bản 228/TTg - KTN (ngày 4/2/2016) của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Yêu cầu cao vì được… duyệt chi cao!

Một nhà thầu yêu cầu không nêu tên đã thể hiện thái độ rất bức xúc vì “thảm trạng” cạnh tranh không bình bẳng sự phân biệt đối xử về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.

“Ngành thuế là cơ quan quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, thì bản thân ngành phải ý thức sử dụng từng đồng vốn ngân sách sao cho đúng, hiệu quả và tiết kiệm. Bằng việc lựa chọn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, chủ đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp nội địa, đố chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngành. Chúng tôi không thể lý giải được hiện tượng sính ngoại kiểu này”, nhà thầu này bình luận.

Trước ý kiến trên, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM giải thích, thang máy Việt Nam có chất lượng không đảm bảo so với thang máy ngoại, chi phí bảo trì cho thang ngoại ít hơn là 2 lý do đã khiến chủ đầu tư lựa chọn thang ngoại. Bên thiết kế đã đưa các thông số kỹ thuật cho các thang máy để phù hợp với mục tiêu chủ đầu tư mong muốn.

“Những công trình công cộng có tần suất sử dụng cao, nên cần thang máy thật tốt, bởi vậy chủ đầu tư muốn được sử dụng sản phẩm tốt nhất có thể”, bà Hương nói. Theo bà Hương, việc các đơn vị tư vấn đấu thầu ghi yêu cầu xuất xứ G7, nhập ngoại, ngoài mong muốn có được loại thang máy tốt nhất, thì đó cũng là giải pháp được đề xuất cho “khớp” với tổng mức đầu tư được cấp trên phê duyệt (cấp trên của Cục Thuế TP.HCM - PV).

“Chủ đầu tư sẽ rà lại các quy định liên quan tới pháp luật về đấu thầu, sau đó sẽ xin ý kiến để xử lý”, bà Hương nói.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Thanh, đại diện tư vấn mời thầu cho gói thầu của Chi cục Thuế quận Phú Nhuận khẳng định, trong hồ sơ mời thầu không có câu nào nói là không được dùng hàng Việt Nam, vì thế không vi phạm Luật Đấu thầu. Còn ông Trần Thanh Toàn, đại diện đơn vị tư vấn đấu thầu gói thầu Chi cục Thuế quận 5 cũng khẳng định, hồ sơ mời thầu gói thầu Công ty ông tư vấn không sai. 

Bất chấp những nghi vấn được các cơ quan báo chí nêu ra trong thời gian gần đây, hiện nay, các gói thầu trên đã được mở thầu và đang trong quá trình chấm thầu.

Tin bài liên quan