Nghi vấn làm giả Nghị quyết ĐHCĐ của VNN

Nghi vấn làm giả Nghị quyết ĐHCĐ của VNN

(ĐTCK) Cố tình trì hoãn tổ chức họp ĐHCĐ thường niên quá thời gian luật định, vi phạm quyền lợi hợp pháp của cổ đông chưa phải là đỉnh điểm của bất cập quản trị tại CTCP Đầu tư và Thương mại VNN (VNN). Nghiêm trọng hơn, theo thông tin từ phía đại diện Agribank, cổ đông lớn của VNN, Công ty có dấu hiệu từng làm giả cả Nghị quyết ĐHCĐ (!?)

Hoãn họp ĐHCĐ để... chuẩn bị tài liệu?

Ngày 20/6/2014, VNN có Công văn số 28/2014/VNN IC gửi Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Sở GDCK Hà Nội cùng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc tạm hoãn tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2014, vốn được dự kiến tổ chức vào ngày 25/6/2014.

Lý do của việc tạm hoãn này được Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Trần Khắc Hùng đưa ra là “để Công ty chuẩn bị tài liệu chu đáo, đầy đủ”. Điểm khiến cổ đông băn khoăn là VNN không nói sẽ lùi thời gian tổ chức họp ĐHCĐ đến khi nào, mà chỉ nói là “sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp và thông báo đến cổ đông”.

Vậy, khi nào là thời điểm thích hợp?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 97, Luật Doanh nghiệp, “ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

Với quy định này, việc VNN hoãn tổ chức họp ĐHCĐ vào thời điểm 20/6/2014 và đến nay, hết tháng 7/2014, vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm tổ chức họp ĐHCĐ với lý do “chuẩn bị tài liệu chu đáo”, VNN đã chạm ngưỡng vi phạm Luật Doanh nghiệp, phớt lờ quyền lợi chính đáng của cổ đông, là được thông qua kết quả kinh doanh năm trước, kế hoạch kinh doanh năm nay và nhiều vấn đề khác.

Nghi vấn giả mạo Nghị quyết ĐHCĐ

Ngày 5/6/2014, VNN công bố Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 10, cấp ngày 26/5/2014. Theo đó, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty đã bổ sung tên Công ty bằng tiếng nước ngoài và bổ sung ngành nghề kinh doanh mới.

Hai nội dung này thoạt nghe không có vấn đề gì, nhưng thực chất lại ẩn chứa những vấn đề nghiêm trọng phía sau.

Theo quy định tại Điều 26, Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 34, Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, hồ sơ thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với công ty cổ phần phải có quyết định bằng văn bản của ĐHCĐ Công ty, biên bản họp của ĐHCĐ Công ty về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Với quy định trên, việc VNN được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải có Nghị quyết của ĐHCĐ Công ty về vấn đề này. Tuy nhiên, lần gần nhất VNN xin ý kiến cổ đông là cuối năm 2013 và nội dung xin ý kiến cũng đã được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi lần 9, cấp ngay trong năm 2013.

Trong công văn gửi về VNN đầu tháng 7/2014, một thành viên HĐQT của VNN cho biết: “Tôi – thành viên HĐQT VNN không nhận được bất kỳ văn bản nào của HĐQT VNN xin ý kiến về việc này (bổ sung ngành nghề kinh doanh mới – PV) hoặc thông báo mời họp về việc này. Cổ đông Agribank cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào xin ý kiến cổ đông của VNN hoặc thông báo mời họp ĐHCĐ của VNN về việc này”.

Nghiêm trọng hơn, cũng trong công văn gửi VNN, vị thành viên HĐQT trên cho hay, trong hồ sơ xin thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nôi có Quyết định và Biên bản họp ĐHCĐ được tán thành bởi 100% số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong biên bản họp này không có các cổ đông hiện hữu như Agribank, Hapro và một số cổ đông khác, mà lại có một số cá nhân không phải cổ đông của Công ty tham gia và ký biên bản họp.

Có một điểm đáng lưu ý là, nhóm cổ đông phản ứng với Nghị quyết ĐHCĐ (bị coi là giả) nói trên đang nắm tới hơn 53% vốn điều lệ của VNN!

Vì sao VNN lại bị nhóm cổ đông chiếm 53% vốn nghi giả mạo Nghị quyết ĐHCĐ? Câu trả lời mà ĐTCK đã ghi nhận được từ nhóm cổ đông đang nắm 53% cổ phần tại VNN khá bất ngờ, đó là không đến từ câu chuyện thay đổi nội dung Giấy Đăng ký doanh nghiệp, mà đến từ những khuất tất khác trong quản lý tài chính của VNN, lý do thực sự khiến VNN chưa muốn hoặc không muốn tổ chức họp ĐHCĐ.

VNN có vốn điều lệ 57,26 tỷ đồng, niêm yết trên HNX từ 3/12/2012. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.