“Nghi án” sản xuất phân bón giả tại Công ty Thuận Phong: Tiếp tục chờ kết luận

Gần 7 tháng, kể từ ngày Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Thuận Phong bị kiểm tra và niêm phong cơ sở sản xuất, đã có rất nhiều văn bản của các ban, ngành liên quan thể hiện quan điểm về vụ việc, nhưng đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Tổ công tác Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Thuận Phong

Tổ công tác Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Thuận Phong

Tại cuộc họp báo “Tổng kết công tác 9 tháng đầu năm” của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), nghi án sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong tiếp tục là chủ đề được nhiều phóng viên quan tâm, khi đưa ra hàng loạt câu hỏi tập trung vào hướng xử lý vi phạm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cho biết, hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức hướng xử lý vụ việc.

Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã thông tin, theo đó, sau khi có văn bản số 3645 ngày 30/9 của Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận phân bón của Công ty Thuận Phong là hàng giả, ngày 7/10, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia đã có văn bản giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Phó trưởng BCĐ 389 Quốc gia tổng hợp tài liệu, trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử lý vi phạm tại Công ty Thuận Phong.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công an, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng phòng Tham mưu (Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu) cho biết, mặc dù vụ việc đã được giao cho Bộ Công an, tuy nhiên vì có nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan chức năng, nên Bộ Công an “vẫn đang phải nắm lại tình hình”.

Ông Trung khẳng định: “Bộ Công an sẽ điều tra nghiêm túc những vi phạm. Với bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm và quyền hạn, chúng tôi sẽ tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra nhằm chứng minh có hay không hành vi phạm tội, nắm chắc tình tiết và tham mưu lãnh đạo sớm có kết luận vụ việc”.

Trong một diễn biến khác, qua phản ánh của báo chí, ngày 28/10/2015, BCĐ 389 quốc gia theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục tiến hành kiểm tra một kho hàng khác của Công ty Thuận Phong tại Đắk Lắk. Dù chỉ được cấp phép là văn phòng đại diện, nhưng cơ sở này vẫn tự ý gắn biển “chi nhánh” để kinh doanh. Qua kiểm tra, Đoàn đã kiểm kê được 66 mặt hàng các loại, trong đó có 1.167 chai phân bón in nhãn “Made in USA”.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia đã cho rằng, “đây là hành vi coi thường pháp luật của Công ty Thuận Phong”. Mặc dù, cơ sở sản xuất tại Đồng Nai đang bị niêm phong, vụ việc đang trong quá trình điều tra, Công ty Thuận Phong vẫn có hành vi kinh doanh trái phép, đồng thời sản phẩm kinh doanh là sản phẩm đã bị Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận là hàng giả.

Mặc dù vụ việc đã được giao cho Bộ Công an, tuy nhiên vì có nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan chức năng, nên Bộ Công an "vẫn đang phải nắm lại tình hình"

Mới đây, ngày 7/11, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, cơ quan chức năng có liên quan thể hiện sự bức xúc của gần 100 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất phân bón và nông dân. Văn bản nêu ra 9 điểm sai phạm của Công ty Thuận Phong và yêu cầu các cấp chính quyền phải xử lý nghiêm vụ việc, để lấy lại công bằng và niềm tin cho hàng triệu nông dân, cùng hàng trăm doanh nghiệp sản xuất.

“Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cấp lãnh đạo có thẩm quyền chuyển vụ án lên BCĐ 389 quốc gia và các bộ Công an, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp Phát triển nông thông, Công thương và các ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp, căn cứ hồ sơ ban đầu để làm lại vụ án”, Văn bản đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết thêm, cách đây khoảng 10 ngày, Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Đồng Nai đã có báo cáo Cơ quan điều tra Bộ Công an vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố hình sự, tuy nhiên, kiến nghị này đang được Bộ Công an nghiên cứu, xem xét.

“Kể cả khi có kết luận chính thức của Bộ Công an về vụ việc này, nếu các bộ, ngành, cơ quan báo chí, người dân thấy kết luận không đúng với thực tế, có quyền phản ánh, kiến nghị, thậm chí tố cáo nếu có dấu hiệu bao che bỏ lọt tội phạm”, ông Cẩn cho biết thêm.

Tin bài liên quan