Ngân hàng đòi nợ trước hạn: Lý và tình

Ngân hàng đòi nợ trước hạn: Lý và tình

(ĐTCK) Trong vụ việc tranh chấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử, doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng phải bồi thường do việc bị đòi nợ trước hạn đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, ngân hàng được phép thu hồi nợ trước hạn nếu bên vay vi phạm hợp đồng tín dụng. Song việc thu hồi nợ nên được xử lý sao cho hợp tình, hợp lý lại vô cùng khó.

Được biết, Công ty TNHH Thương mại Xuân Lộc (Công ty Xuân Lộc) và Công ty TNHH Thương mại Xuân Lộc Phát (Công ty Xuân Lộc Phát) đều có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, do ông Đặng Xuân Tiến là Giám đốc đại diện theo pháp luật.

Hợp đồng tín dụng ký kết giữa VPBank và Công ty Xuân Lộc ngày 25/10/2011 và khế ước nhận nợ ngày 25/10/2012 thể hiện số tiền vay nợ là 4 tỷ đồng, thời hạn vay 6 tháng. Bên vay phải trả gốc một lần khi kết thúc thời hạn vay theo khế ước nhận nợ. Mục đích vay vốn là để kinh doanh ô tô.

Khoản nợ lãi trả theo định kỳ 1 tháng/lần, vào ngày 25 hàng tháng. Lãi suất trong năm là 19,5% được điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần, mức điều chỉnh bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng đang áp dụng tại thời điểm điều chỉnh, cộng biên độ 7,5%. Đến kỳ thanh toán, nếu bên vay không trả được còn phải chịu phạt lãi chậm trả bằng 0,05%/ngày tính trên số lãi chậm trả và số ngày chậm trả.

Về phía hợp đồng giữa VPBank và Công ty Xuân Lộc Phát ký ngày 27/7/2012 với số tiền vay 1,2 tỷ đồng cũng có nội dung tương tự.

Do hai công ty Xuân Lộc và Xuân Lộc Phát vi phạm nghĩa vụ trả nợ, VPBank đã khởi kiện ra tòa, buộc bị đơn phải trả nợ gốc và lãi tổng cộng là 6,5 tỷ đồng.

VPBank đưa ra căn cứ pháp lý, tại Khoản 1, Điều 7 của Hợp đồng tín dụng nêu chi tiết các trường hợp Ngân hàng có quyền thu hồi nợ trước hạn gồm: bên vay phải trả gốc và lãi theo phân kỳ (tháng) mà bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ của bất cứ phân kỳ nào, bất kể khi thời hạn trả nợ cuối cùng chưa kết thúc; bên vay sử dụng vốn sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, trốn tránh hoặc thiếu thiện chí trả nợ; bên vay có sự thay đổi lớn trong bộ máy quản trị điều hành...

Cụ thể, trong vụ việc này, VPBank cho rằng, ông Đặng Xuân Tiến vi phạm nghĩa vụ thanh toán kỳ trả lãi. Từ ngày 24/1/2013, bị đơn vi phạm 3 kỳ (3 tháng). VPBank đã nhiều lần làm việc, nhưng ông Tiến vẫn chậm trả nợ.

Trong khi đó, ông Tiến khẳng định, công ty không vi phạm. Việc VPBank chấm dứt hợp đồng đã gây nhiều tổn thất cho công ty. Do đó, bị đơn đề nghị VPBank có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Luật sư Trần Văn Tú (người bảo vệ quyền lợi của bị đơn) lập luận, trong quá trình hoạt động kinh doanh, hai công ty Xuân Lộc và Xuân Lộc Phát đã sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, VPBank đã không kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng có hiệu quả hay không. Khi khách hàng vi phạm trả nợ phân kỳ, VPBank đã lập tức tiến hành đòi nợ trước hạn, khiến ông Tiến không còn cơ hội thu hồi nợ của đối tác.

Theo Luật sư Tú, tại Khoản 4, Điều 95, Luật Các tổ chức tín dụng, hai công ty của ông Tiến có đủ điều kiện được áp dụng miễn, giảm lãi suất theo quy định nội bộ ngân hàng. Mặc dù vậy, VPBank đã không có thiện chí, khiến các công ty này “gặp khó”.

Bên cạnh đó, bị đơn còn cho rằng, việc VPBank thường xuyên “thúc” nợ, gây áp lực để kê biên tài sản, đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, VPBank rút phần yêu cầu về khoản phạt chậm trả. Xem xét toàn bộ vụ án, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã chấp nhận các nội dung khởi kiện của VPBank. Trường hợp bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, VPBank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại các tài sản đảm bảo.

Tin bài liên quan