Chính phủ đã nhận rõ sự cần thiết phải thay đổi tư duy về nhà nước và thị trường

Chính phủ đã nhận rõ sự cần thiết phải thay đổi tư duy về nhà nước và thị trường

Nền kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động dưới tiềm năng

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững” cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ nhiều vấn đề của Việt Nam với các đối tác, trong đó có câu chuyện lấy vốn đâu để phát triển nhanh, bền vững.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Hiến pháp 2013 và một loạt các luật quan trọng khác đã được thông qua, trong đó có thể kể đến Luật Doanh nghiệp, Đầu tư, Phá sản, Đấu thầu, Ngân sách nhà nước… đã góp phần củng cố bộ khung pháp lý vững chắc, giúp nền kinh tế thị trường vận hành tốt.

Tuy nhiên, điều cần làm để đối phó với tình trạng giảm mức tăng năng suất lao động hiện nay là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

“Chương trình nghị sự cải cách thể chế thị trường của Việt Nam cần đẩy mạnh đáng kể thì mới có thể đạt được mục tiêu này”, bà Victoria nói.

Đánh giá cao nền tảng kinh tế thị trường đã được xây dựng chắc chắn, nhưng ông Layton Pike, Phó Đại sứ Úc cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động dưới tiềm năng, năng suất thấp và ngày càng giảm.

“Việt Nam cam kết khắc phục hạn chế của thị trường để tạo ra sự bình đẳng, mọi người đều phát triển bình đẳng, không ai tụt lại ở sau” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện trong khi nguồn lực được phân bổ không hiệu quả, nhất là trong khu vực công. Ngoài ra, khu vực tư nhân bị đè nặng bởi gánh nặng quy định, sự khó tiên liệu và không nhất quán trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể hơn, đại diện Đại sứ quán Úc kiến nghị Chính phủ nên ưu tiên:

Thứ nhất, cải thiện tự do kinh tế và nuôi dưỡng khu vực tư nhân.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện một chiến lược cải cách triệt để, toàn diện và minh bạch nhằm dần dần từ bỏ sở hữu DN nhà nước ở những lĩnh vực không cần thiết và chuyển nguồn lực khan hiếm đó sang những lĩnh vực chiến lược như phát triển hạ tầng và cải thiện chất lượng quản trị.

Thứ ba, tăng cường chính sách cạnh tranh và thực thi pháp luật.

Thứ tư, cải thiện chất lượng quản trị và thể chế. Vị thế của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay chủ yếu được xác định bởi chất lượng quản trị và thể chế kinh tế. Chính phủ cần xây dựng một cơ chế phối hợp mạnh hơn để xây dựng và thực hiện cải cách một cách hiệu quả.

Thứ năm, đảm bảo tăng trưởng công bằng và bao dung bằng cách nâng cao vai trò của tổ chức cộng đồng và xã hội dân sự

Đại diện Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO), bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đoàn, khuyến nghị cần chỉnh đốn và thay đổi các thể chế thị trường cho kịp với tốc độ phát triển thị trường và ngăn chặn việc các tập đoàn chiếm đoạt hoặc lạm dụng quyền của người dân và của đất nước.

Bên cạnh đó, để xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao và tạo điều kiện phát triển xã hội bền vững hơn, Chính phủ cần tiếp tục và tăng cường việc giảm thiểu tham nhũng và lạm dụng các nguồn lực chung, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ trong nước và các tổ chức xã hội trong khắc phục các lỗi của thị trường.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chia sẻ, mặc dù điều nổi bật nhất, thành tựu quan trọng và xuyên suốt nhất qua 30 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay được nhìn nhận đó là Việt Nam đã thành công chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, song vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến thể chế kinh tế thị trường.

“Việt Nam cam kết khắc phục hạn chế của thị trường để tạo ra sự bình đẳng, mọi người đều phát triển bình đẳng, không ai tụt lại ở sau”, Bộ trưởng Vinh nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, MPI, cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhận rõ sự cần thiết phải thay đổi tư duy về nhà nước và thị trường. Bởi vì, thực tế cho thấy một nhà nước thiên về kiểm soát và sở hữu không còn phù hợp, thậm chí trở thành lực cản chính đối với cải cách và phát triển.

Vì vậy, trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh nhu cầu phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển. Nhà nước tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.

Tại VDPF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nghĩa là thực hiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế về thể chế kinh tế thị trường. Tạo lập, phát triển các định chế của kinh tế thị trường để vận hành đồng bộ hiệu quả thị trường đất đai, khoáng sản; thị trường vốn sẽ công khai, minh bạch hơn…”

Tin bài liên quan