Nhiều rào cản ẩn sâu trong các văn bản, thủ tục hành chính đang gây khó cho DN và người dân  - Ảnh: Lê Toàn

Nhiều rào cản ẩn sâu trong các văn bản, thủ tục hành chính đang gây khó cho DN và người dân - Ảnh: Lê Toàn

Nặng gánh thủ tục vì tư duy “một người đau bụng, cả làng uống thuốc”

(ĐTCK) Ngày 28/10 đã diễn ra Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đơn giản hóa và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015.

Tại Hội thảo, ông Phan Vinh Quang, đại diện Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID) nhấn mạnh: “Rào cản thủ tục đối với DN và người dân không chỉ đến từ ngành thuế và hải quan, mà còn có nhiều rào cản ẩn sâu trong các văn bản, thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành khác. Tư duy ‘một người đau bụng, cả làng phải uống thuốc’ của nhiều cơ quan chức năng đang khiến số đông người không vi phạm pháp luật bị vạ lây”.

Theo USAID, năm 2013, Việt Nam ban hành 905 luật, nghị định, thông tư (gấp đôi số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành vào năm 2008), trong đó, một số lượng không nhỏ văn bản mới ban hành không nhất quán hoặc chồng chéo với các văn bản trước đó. Điều này đã ảnh hưởng đến tính thống nhất trong quá trình xây dựng chính sách. Cũng trong khoảng thời gian này, thứ hạng của Việt Nam về chỉ số “Minh bạch trong chính sách” trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới đã sụt từ thứ 58 (trong số 134 quốc gia) vào năm 2008 xuống 116 (trong số 144 quốc gia) vào năm 2013.

Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội In Việt Nam chia sẻ, đối với riêng ngành in, Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về các hoạt động in ấn vừa được ban hành không chỉ gây phiền hà cho các DN ngành này, mà còn kéo lùi việc xây dựng phát triển các quy định pháp lý đến cả chục năm. Bởi theo Luật Xuất bản 2004, DN ngành in không phải xin giấy phép nhập khẩu máy móc thiết bị, ngoại trừ máy photocopy màu. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 60, DN phải xin cấp phép nhập khẩu đối với tất cả các loại máy móc, thiết bị in (phụ tùng, trục in, khuôn in, bản in...).

Ngoài ra, quy định về thời gian đã qua sử dụng của máy móc không hợp lý, vì với loại máy móc cần đổi mới liên tục, dự thảo Thông tư lại đưa ra niên hạn sử dụng dài, trong khi loại máy không cần mới, lại yêu cầu niên hạn ngắn... Không chỉ có những quy định gây khó như vậy, DN ngành in khi thành lập, ngoài các thủ tục cơ bản như các DN ngành khác, giám đốc DN phải tốt nghiệp cao đẳng in hoặc có chứng chỉ này do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

“Người đứng đầu DN không cần thiết phải có bằng cấp này vẫn có thể điều hành DN một cách bình thường. Vậy đưa ra quy định như vậy để làm gì, trong khi người cấp chứng chỉ ngành in có khi cũng không có bằng cấp đó”, vị đại diện trên bức xúc nói, đồng thời cho biết thêm, ngoài quy định về báo cáo thuế, DN ngành in còn phải có những báo cáo định kỳ khác với rất nhiều tiêu chí, cũng như nhiều quy định rườm ra như người đến in phải mang theo chứng minh nhân dân…, nhưng trên thực tế, hầu hết các đoàn kiểm tra khi đến DN không mấy khi hỏi đến các loại giấy tờ này.

Cùng theo vị đại diện Hiệp hội In, khi xây dựng Nghị định 60, cơ quan chức năng đã không lấy ý kiến rộng rãi các DN trong ngành, nên văn bản ban hành ra không thể đi vào cuộc sống.

Đồng tình với ý kiến của đại diện USAID, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cần bỏ ngay tư duy làm luật theo kiểu “một người đau bụng, bắt cả làng uống thuốc”. Nên khoanh vùng xử lý những DN sai phạm, chứ không thể siết lại theo kiểu quản chặt cho chắc. Ông Hòe cũng đề nghị, các văn bản pháp luật liên quan đến DN khi xây dựng cần có thời gian để DN tìm hiểu và đóng góp ý, không nên gửi văn bản ngày trước, ngày sau phải có ý kiến trả lời, bởi góp ý như vậy chỉ mang tính hình thức, không mang lại kết quả gì.

“Hiện nay, nhiều văn bản dưới luật ban hành không đúng luật nhưng vẫn được các bộ, ban, ngành đưa ra. Vì thế, yếu tố hợp pháp cũng cần đặt ra trong quá trình ban hành. Nếu văn bản cần ban hành nhưng luật không cho phép, thì cần sửa luật chứ không nên ban hành văn bản trái luật rồi vẫn lấy ý kiến đóng góp khi ban hành những văn bản này”, ông Hòe góp ý.

Tin bài liên quan