Môi trường kinh doanh dần… bớt xấu

Môi trường kinh doanh dần… bớt xấu

(ĐTCK) Cảm nhận của DN về môi trường kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay, theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đang… bớt xấu hơn.

Hơn 4% DN tạm ngừng hoạt động

Chỉ số động thái của DN trong 6 tháng đầu năm nay vẫn còn ở mức âm (-5 điểm), nhưng đã cải thiện hơn nhiều so với năm 2013 khi chỉ số này là -21 điểm. Tổng thể điều kiện sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, theo cảm nhận của các DN, tốt hơn so với 6 tháng cuối năm ngoái, đồng thời, các điều kiện này được dự cảm sẽ tiếp tục tốt hơn vào 6 tháng cuối năm 2014.

Trên đây là những thông tin được VCCI công bố tại hội thảo “Động thái doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2014”, do VCCI tổ chức ngày 19/6, sau khi khảo sát 800 DN trên toàn quốc trong tháng 4 - 5/2014, trong đó 50% là DN lớn và vừa, còn lại là DN nhỏ.

Điểm đáng chú ý trong kết quả khảo sát là 6 tháng qua, còn 2 yếu tố chưa được cải thiện là lợi nhuận trên một sản phẩm và giá bán bình quân. Tuy nhiên, mức độ xấu đi của 2 yếu tố này đã giảm so với cuối năm 2013.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm 2014, có khoảng 4,2% DN trả lời khảo sát nói rằng họ phải tạm thời ngừng hoạt động. Thời gian ngừng hoạt động trung bình là 1,5 tháng, DN có thời gian ngừng hoạt động ngắn nhất là 0,5 tháng và dài nhất là 4 tháng. DN phải ngừng hoạt động trong thời gian qua do không tìm được thị trường đầu ra chiếm tỷ lệ cao nhất, lên đến 50%. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến DN phải ngừng hoạt động lâu nhất là 4 tháng. Điều này chứng tỏ vấn đề làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm vẫn đang là thách thức rất lớn đối với DN.

“Kết quả khảo sát cảm nhận của DN cho thấy, nền kinh tế đã thoát đáy. Tuy nhiên, vấn đề là nền kinh tế và DN phục hồi nhanh hay chậm, thì chưa dễ có câu trả lời”, ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nói và phân tích thêm, những vướng mắc, bất cập mà các DN đang đối mặt thể hiện qua kết quả điều tra là rất đáng suy ngẫm. Bởi vậy, cần sự quan tâm của các cấp quản lý, để sớm có phương án tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó hỗ trợ DN, cũng như nền kinh tế dần lấy lại đà phục hồi tăng trưởng.

DN mong đợi gì?

Với tư cách là thành viên nhóm khảo sát động thái DN 6 tháng đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho hay, để cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó hỗ trợ DN sản xuất kinh - doanh thuận lợi hơn, điều các DN mong đợi là sắp tới, các cơ quan nhà nước cần tăng cường biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường đầu ra, vì thực tế cho thấy, hầu hết DN phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng qua đều do không tiêu thụ được sản phẩm. Các cấp quản lý cũng cần chú trọng xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, bởi theo đánh giá của các DN, việc này chưa được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Cần xem xét lại việc tăng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mại lên 15%.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc DN tự cứu mình trước khi trông chờ “cứu viện” từ bên ngoài được coi là yếu tố quyết định sự phục hồi phát triển của DN trong thời gian tới. Để việc tự cứu mình đạt hiệu quả cao, chuyên gia khuyến nghị, các DN cần thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, thiết lập chiến lược kinh doanh có tầm nhìn trung và dài hạn; tăng cường tính liên kết trong kinh doanh; tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường. Các DN cũng cần đa dạng hóa các nguồn vốn, để giảm thiểu rủi ro dựa vào duy nhất nguồn vốn tín dụng ngân hàng, bằng cách tranh thủ thu hút các quỹ đầu tư, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược… Điều này không chỉ gia tăng tiềm lực tài chính cho DN, mà còn góp phần cải thiện chất lượng quản trị DN.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, kết quả khảo sát không chỉ nói lên dự cảm của DN về môi trường kinh doanh, quan trọng hơn là trên cơ sở các vướng mắc, khó khăn mà các DN đang phải đối mặt, VCCI sẽ tổng hợp, đồng thời kiến nghị tới các cơ quan hoạch định chính sách để có hướng tháo gỡ kịp thời, qua đó hỗ trợ DN kinh doanh thuận lợi hơn trong thời gian tới.      

Tin bài liên quan