Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tập hợp chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh đã lên tới gần 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Chẳng hạn, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Kho chứa cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Hay điều kiện về số lượng xe mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ phải có tại Hà Nội, TP. HCM là tối thiểu 20 xe; ngoài Hà Nội, TP. HCM là 10 xe; miền núi, vùng khó khăn là 5 xe.
Ông Cung cũng dẫn chứng về giấy phép hoạt động trong lĩnh vực in ấn: giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự; hay một số điều kiện đã bãi bỏ trước đây nay được khôi phục, như điều kiện nhận in, gia công sau in phải có hợp đồng in theo quy định của pháp luật hoặc phiếu đặt in theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông quy định giữa cơ sở in với cơ quan, tổ chức đặt chế bản in, gia công sau in.
Trong khi đó, theo tinh thần của Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư, kinh doanh phải được quy định phù hợp với mục tiêu quy định và phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Các điều kiện kinh doanh vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự và an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe cộng đồng được coi là các điều kiện kinh doanh phù hợp.
Theo ông Cung, thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề quy định được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 2000 và 2005 cũng đã quy định tương tự, khác biệt lần này là quy định ở Luật Đầu tư.
Theo kết quả rà soát của Bộ Tư pháp, trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện tại thì tất cả đều có điều kiện quy định bởi thông tư, tức là do các bộ ban hành. Số lượng các điều kiện kinh doanh này cũng phải đến hàng nghìn. Trong các điều kiện kinh doanh ở thông tư, có thông tư do luật giao thẩm quyền cho bộ ban hành (số này rất ít); số còn lại nằm ở thông tư không được luật chỉ định ban hành. Không chỉ các bộ ban hành quy định về điều kiện kinh doanh, mà cả UBND một số tỉnh cũng thực hiện việc này.
Khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, tất cả các điều kiện kinh doanh hiện đang được quy định ở các thông tư đương nhiên hết hiệu lực. Nhưng thực tế trái luật nói trên đã tồn tại hàng chục năm nay. “Vậy chúng ta sẽ xử lý thế nào với các điều kiện kinh doanh không phù hợp?”, ông Cung đặt câu hỏi.
Hiện tượng, hành vi trái thẩm quyền, trái pháp luật là rất rõ ràng, nhưng các văn bản đó tại sao vẫn có hiệu lực thi hành và không bãi bỏ được? Tại sao cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với việc góp ý, nhận xét, kiến nghị đối với pháp luật về điều kiện kinh doanh? Với những thực tế như vậy, vị Viện trưởng CIEM nhận xét, tới đây, sẽ có rất nhiều thách thức đối với thực hiện đúng và đầy đủ nội dung của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh.