Hoạt động của các công ty đại chúng như Vinamilk sẽ được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư (sửa đổi) hay Luật Chứng khoán?

Hoạt động của các công ty đại chúng như Vinamilk sẽ được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư (sửa đổi) hay Luật Chứng khoán?

Luật Đầu tư (sửa đổi):Không áp dụng với đầu tư gián tiếp

Một khi việc định danh nhà đầu tư nước ngoài chưa phân biệt rõ khái niệm nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, thì hoạt động của các công ty đại chúng sẽ được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư (sửa đổi) hay Luật Chứng khoán?

Nhắc lại ví dụ về trường hợp của Vinamilk, khi ngày hôm nay có thể là nhà doanh nghiệp trong nước, nhưng ngày mai lại là doanh nghiệp nước ngoài, khi lượng cổ phần của doanh nghiệp này do nhà đầu tư nắm giữ thay đổi (trên hoặc dưới 51%), ông Kiên Nguyễn, Nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một lần nữa đề nghị các điều khoản của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) không nên áp dụng cho các công ty đại chúng.

“Nếu Vinamilk trở thành nhà đầu tư nước ngoài, thì họ có được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hay đương nhiên được đầu tư ở nước ngoài mà không phải xin phép hay không?”, ông Kiên Nguyễn đặt câu hỏi.

Điều mà ông Kiên Nguyễn phân vân, trên thực tế, cũng đã được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, khi hai dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra thảo luận.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng cho rằng, cần phải phân định rõ nhà đầu tư thể nhân và nhà đầu tư pháp nhân, nhà đầu tư gián tiếp và trực tiếp. Lý do là vì, ranh giới giữa các tỷ lệ 49% hay 51% là rất mong manh, doanh nghiệp này nay có thể là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng rất nhanh sau đó có thể là doanh nghiệp trong nước, một khi cổ phần của doanh nghiệp được giao dịch trên sàn chứng khoán.

Trường hợp Vinamilk mà Nhóm công tác thị trường vốn của VBF đưa ra để phân tích rõ ràng là một ví dụ khá điển hình, một khi việc định danh nhà đầu tư nước ngoài chưa phân biệt rõ hai khái niệm nhà đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Và hoạt động của các công ty đại chúng như Vinamilk sẽ được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư (sửa đổi) hay Luật Chứng khoán?

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Nhóm công tác thị trường vốn, tại cuộc họp mới đây với các nhóm công tác của VBF, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, những hoạt động đầu tư đã thuộc phạm vi áp dụng của Luật Chứng khoán, thì Luật Đầu tư sẽ không điều chỉnh nữa. “Chúng tôi không có ý định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và cũng không muốn có những xáo trộn liên quan đến các nội dung đã được điều chỉnh trong Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, không thể có một câu trả lời chính xác cho việc Dự thảo Luật Đầu tư có hay không áp dụng cho công ty đại chúng.

Cân nhắc về giới hạn điều chỉnh của Luật Đầu tư cũng được một thành viên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc tới. Theo ông này, Luật Chứng khoán hiện chỉ điều chỉnh hoạt động đầu tư của công ty đại chúng, chứ không điều chỉnh hoạt động của công ty cổ phần mà không phải là công ty đại chúng.

“Không thể quy định cứng nhắc việc mỗi luật lại điều chỉnh một loại hình doanh nghiệp. Làm như vậy, sẽ tạo ra các khoảng trống pháp lý, bởi không phải tất cả các hoạt động đầu tư của các công ty đại chúng được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán”, ông Tuấn nói và cho biết, Ban soạn thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có cách tiếp cận theo “hành vi” đầu tư, chứ không phải theo loại hình doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ làm rõ hơn việc những gì Luật Chứng khoán đã điều chỉnh, thì Luật Đầu tư không điều chỉnh nữa”, ông Tuấn nói và cho biết, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo, sẽ cân nhắc và rà soát thật kỹ để không bỏ sót các hoạt động đầu tư ở “vùng giao thoa” giữa hai Luật.

Ranh giới, như vậy, về cơ bản đã được xác lập. Mối lo về việc doanh nghiệp này nay là nước ngoài, mai lại là trong nước, kéo theo đó là hàng loạt quy định liên quan thủ tục đầu tư, các lĩnh vực hạn chế đầu tư... đã phần nào được giải tỏa.

Tuy nhiên, theo các nhóm công tác của VBF, vẫn không cần thiết phải có định nghĩa về “nhà đầu tư nước ngoài”. “Việc phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực không nằm trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện, hạn chế đầu tư và cấm đầu tư là không cần thiết”, Nhóm công tác thị trường vốn phát biểu.

“Nếu cần thiết, nên áp dụng thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Tỷ lệ 51% hay khác đi nên phụ thuộc vào tỷ lệ biểu quyết được quy định tại Luật doanh nghiệp”, bà Bùi Thủy, Ngân hàng HSBC đề xuất.

Tin bài liên quan