Hiện chưa rõ lãi suất áp dụng trong hoạt động ngân hàng có phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hay không

Hiện chưa rõ lãi suất áp dụng trong hoạt động ngân hàng có phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hay không

Luật Dân sự mới bỏ ngỏ lãi suất ngân hàng

(ĐTCK) Liên quan đến lãi suất cho vay, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) bổ sung nhiều quy định mới, nhưng đáng chú ý, Luật mới bỏ ngỏ về việc áp dụng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Bộ luật Dân sự hiện hành (Bộ luật Dân sự 2005) quy định, các bên trong hợp đồng cho vay có quyền thỏa thuận lãi suất nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với từng loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không có lãi suất hoặc không có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Tiếp tục đề cao yếu tố thỏa thuận của các bên, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Song Luật lại đề cập thêm: trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Đánh giá về quy định mức lãi suất mới này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, có sự khác biệt trong các khoản vay dân sự. Tuy nhiên, các khoản vay giữa doanh nghiệp và ngân hàng có áp dụng theo mức này hay không thì chưa được khẳng định rõ bởi quy định “trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác”.

Luật sư Vũ Ngọc Chi phân tích, hiện nay, các ngân hàng đều cho rằng, việc doanh nghiệp vay tiền ngân hàng là các khoản vay thương mại, chứ không phải là khoản vay dân sự. Thực tế, việc tính lãi suất cho vay thương mại này không do Bộ luật Dân sự điều chỉnh mà do hướng dẫn ngành dọc của ngân hàng điều chỉnh. Vì không có sự thống nhất và rõ ràng như vậy nên chưa có căn cứ để khẳng định, quy định trên có ảnh hưởng tới việc điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng.

“Có hai cách hiểu và áp dụng với mức lãi suất vay khác nhau giữa dân sự và thương mại và chưa có sự phân biệt rạch ròi về nguồn luật điều chỉnh, nhất là các khoản vay thương mại. Bất cập hơn ở chỗ, bên vay là doanh nghiệp thường bị yếu thế trong quan hệ vay”, luật sư Chi nói.

Theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng, Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định trực tiếp việc loại trừ áp dụng trần lãi suất cho vay đối với hoạt động ngân hàng mà chỉ loại trừ trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác. Tại Khoản 2, Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về lãi suất trong hoạt động ngân hàng, nhưng chỉ quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Vị chuyên gia này cho rằng, với quy định này, có thể hiểu lãi suất áp dụng trong hoạt động ngân hàng vẫn phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong đó có quy định về trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất trong hoạt động ngân hàng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự là không phù hợp. Lãi suất ngân hàng chỉ nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành ngân hàng.

Chuyên gia này kiến nghị sửa đổi quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng quy định rõ: Trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự do thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong các trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.         

Tin bài liên quan