Lừa đảo để lấy tiền “chạy” dự án

Lừa đảo để lấy tiền “chạy” dự án

(ĐTCK) Dùng giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác để lừa bán nhà, thế chấp vay tiền, Trần Thị Gấm (sinh năm 1975, trú tại Hà Nội) đã chiếm đoạt tổng cộng 8 tỷ đồng của 3 bị hại.

Số tiền chiếm đoạt được Gấm dùng để trả nợ và “chạy” dự án nhà máy rác thải rắn tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 8/2011, gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm ở Hàng Vôi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) bán cho Gấm ngôi nhà đang ở với giá 7,5 tỷ đồng, nhận đặt cọc 50 triệu đồng. Sau đó, Gấm nhận Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở đi làm thủ tục sang tên rồi bán cho ông Bùi Quyết Thắng với giá 4 tỷ đồng, trong khi chưa trả đủ tiền mua nhà. Gấm nhận đủ tiền bán nhà nhưng lờ tịt việc sang tên cho ông Thắng.

Gia đình ông Khiêm không nhận được tiền bán nhà nên đã tìm Gấm và Gấm hứa hẹn sẽ trả tiền nếu không trả tiền sẽ sang tên sổ đỏ trả lại cho nhà ông Khiêm. Sau đó, Gấm chỉ trả cho ông Khiêm thêm 148 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, Gấm khai khi mua nhà, ngoài 50 triệu đồng đặt cọc, Gấm không có số tiền nào khác. Sau khi sang tên sổ đỏ, Gấm đã mang sổ đỏ đến VPBank để thế chấp vay tiền, nhưng không vay được nên Gấm quay sang lừa bán nhà cho ông Thắng.

Số tiền nhận của ông Thắng, Gấm dùng 3 tỷ đồng trả nợ cho một người không rõ lai lịch, 1 tỷ đồng đem góp vốn vào Công ty TNHH Trung Kim Thi ở Ứng Hòa, Hà Nội và chi phí cho việc xin dự án xây dựng nhà máy rác thải rắn tại Chương Mỹ, Hà Nội. Cơ quan công an xác minh có việc chuyển nhượng 80% phần vốn góp tại dự án nhà máy rác thải giữa Gấm và chủ DN này.

Cơ quan điều tra cũng xác định Gấm, với sự tiếp tay của Nguyễn Quốc Nhật (sinh năm 1975, Hà Nội), đã mượn giấy tờ nhà đất của người người khác để thế chấp vay tiền của bà Nguyễn Thị Thiên Nga để chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng. Sau đó, Gấm tiếp tục hỏi vay bà Nga để “lo lót” vay tiền ngân hàng, khi vay được tiền ngân hàng rồi sẽ trả toàn bộ nợ đã vay. Khi bà Nga yêu cầu Gấm phải chứng minh sẽ được ngân hàng cho vay tiền, Gấm đã đưa ra thông báo tín dụng của Techcombank sẽ cho công ty của Gấm vay 15 tỷ đồng. Tin tưởng vào thông báo này, bà Nga tiếp tục cho Gấm vay thêm 1,4 tỷ đồng. Xác minh tại Techcombank, ngân hàng này cho biết không hề phát hành thông báo tín dụng này. Một bị hại khác là bà Phạm Thị Mến đã bị Gấm dùng thủ đoạn tương tự lừa đảo 700 triệu đồng.

Ngoài 3 trường hợp nói trên, cơ quan công an còn nhận được đơn thư của một số cá nhân khác tố cáo Gấm lừa đảo chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là quan hệ dân sự, nên không đề cập xử lý hình sự đối với Gấm.

Xét thấy một số tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.