Lùm xùm
Trong các báo cáo hoạt động doanh nghiệp, rất hiếm có báo cáo đề cập chi tiết chi phí xử lý môi trường. Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất công nghiệp vi phạm và coi thường pháp luật về bảo vệ môi trường trở nên báo động.
Vì sao những sự cố môi trường lớn vẫn xảy ra dù đã có rất nhiều bài học trong quá khứ?
Nếu điểm lại danh mục các vụ gây ô nhiễm môi trường do Bộ Tài nguyên – Môi trường soạn thảo hồi giữa năm 2016, có tới 6 sự cố có nguyên nhân xuất phát từ các doanh nghiệp, mà trong đó đứng đầu là sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Hậu quả từ sự cố Formosa đã được truyền thông phản ánh sát sao. Tuy nhiên không phải đến khi sự cố Formosa bùng phát, dư luận mới lên tiếng. Còn nhớ những năm trước đó, vụ việc Công ty TNHH Vedan Việt Nam xả thải ra sông Thị Vải từng gây xôn xao. Trong rất nhiều vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt các doanh nghiệp là rất nhẹ.
Điển hình vào năm 2008, sau khi người dân phát giác Công ty TNHH Vedan Việt Nam lén lún xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an vào cuộc. Theo ước tính, công ty này xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông. Bộ Tài nguyên – Môi trường xác định doanh nghiệp này vi phạm 12 lỗi chính về pháp luật bảo vệ môi trường nhưng chỉ bị xử phạt hành chính tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty bị truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp số tiền 127,8 tỷ đồng.
Hay như trong sự cố môi trường, Formosa phải bồi thường 500 triệu USD. Còn sự cố gây ô nhiễm môi trường trên sông Bưởi (Thanh Hóa) do Nhà máy Mía đường Hòa Bình (ở thượng nguồn sông Bưởi xả nước thải chưa qua xử lý môi trường gây ô nhiễm hạ lưu, Công ty chịu bồi thường 1,4 tỷ đồng cho người dân khu vực chịu thiệt hại. Thậm chí trong một số vụ việc, doanh nghiệp không dám nhìn thẳng vấn đề, chi bồi thường dưới hình thức “hỗ trợ” người dân.
Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về tội danh gây ô nhiễm môi trường nhưng việc xử lý hình sự gần như rất ít ỏi vì quy định còn mang tính chất chung, không định lượng cụ thể. Một thời gian dài, khoảng trống pháp lý này tạo ra rất nhiều bất cập.
Trên thực tế, những sự cố môi trường nghiêm trọng đã đe dọa trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, hoa màu, vật nuôi của người dân. Mức thiệt hại nhiều khi khó xác định được hết, còn việc xử lý cũng chỉ dừng lại là phạt vi phạm hành chính, hoặc là những vụ kiện đơn lẻ của người dân.
Thạc sỹ Bạch Thị Nhã Nam, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM lý giải, việc không tội phạm hóa đối với pháp nhân là một hạn chế và được coi là lỗ hổng của pháp luật, khiến các cơ quan tố tụng không thể khởi tố hình sự và định tội các doanh nghiệp hay người đứng đầu doanh nghiệp khi họ là chủ thể các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
Việc chỉ xử lý đơn thuần bằng chế tài hành chính đối với pháp nhân không có tác dụng răn đe ngăn ngừa hành vi hủy hoại môi trường với hậu quả nghiêm trọng do các pháp nhân thực hiện.
Chế tài mạnh
Cho đến năm 2017, khi xây dựng Bộ luật Hình sự mới, nhà làm luật đã bắt đầu siết chặt chế tài cho hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. So với luật cũ, luật mới giống như “mũi tên bắn trúng đích” khi lần đầu tiên đưa ra những con số cụ thể để xác định, làm rõ tội danh gây ô nhiễm môi trường.
Nếu như Bộ luật Hình sự 1999 chỉ phác họa những nét cơ bản về tội danh gây ô nhiễm môi trường, còn tạo khoảng trống pháp lý trong các vụ việc điển hình đã nhắc ở trên thì lần đầu tiên, pháp luật đưa thêm chủ thể mới đó là pháp nhân thương mại. Thay vì mức phạt hành chính như trước, doanh nghiệp phải đối diện với bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung là Điều 235 về tội Gây ô nhiễm môi trường. Quy định mới vạch rõ những hành vi bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm khi chôn, lấp, đổ thải ra môi trường. Để hiện thực hóa trên thực tiễn, điều luật quy định rất chi tiết khối lượng chất thải nguy hại vượt ngưỡng theo quy định chuyên ngành. Mức hình phạt tăng nặng theo khối lượng chất thải đổ ra môi trường. Người phạm tội phải chịu hình phạt tiền cao nhất đến 3 tỷ đồng hoặc hình phạt tù đến 7 năm nếu xả thải gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Tương tự, đối với pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng - 20 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn đến 3 năm tù. Thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng, pháp nhân có thể phải đối diện “bản án tử” là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Nhiều ý kiến chuyên gia pháp lý hy vọng, chế tài mới đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp coi thường pháp luật. Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự hay buộc pháp nhân phạm tội môi trường phải bồi thường thiệt hại, bên bị hại phải chứng minh được thiệt hại đó. Trong khi đó, việc tính toán thiệt hại chưa có một công thức chung. Do đó, thạc sỹ Nhã Nam đề xuất cần có một văn bản cụ thể hướng dẫn ban hành để giúp các cơ quan chức năng định lượng hậu quả vi phạm môi trường.
Cũng theo kiến nghị của bà Nhã Nam, đối với pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, việc ký quỹ môi trường phải được quy định chặt chẽ hơn.
“Nội dung của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc tại ngân hàng một khoản tiền nào đó đủ lớn để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết, số tiền ký quỹ sẽ được rút ra để chi khắc phục sự cố ô nhiễm do doanh nghiệp gây ra, thậm chí khi doanh nghiệp sắp giải thể hay phá sản.
Đây là giải pháp mà các quốc gia có xu hướng tiếp nhận đầu tư nước ngoài mạnh mẽ như Việt Nam cần phải tiến hành chặt chẽ để giảm thiểu các rủi ro về môi trường do tiếp nhận công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, hoặc không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay”, bà Nam phân tích.
Mặt khác, theo bà Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
Như vậy, cùng với sự phát triển của nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm này trong tương lai tại Việt Nam, các pháp nhân có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động của mình sẽ bắt buộc tham gia bảo hiểm nhằm hoán chuyển các rủi ro không lường trước được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình sang các công ty bảo hiểm, và đáp ứng được khả năng bồi thường thiệt hại khi sự cố môi trường xảy ra cho người dân và cộng đồng.
“Trách nhiệm mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường sẽ khiến các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng nâng cao hơn ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về xả thải, bảo vệ môi trường, để tránh đối mặt với nguy cơ tổn thất tài chính từ việc bồi thường thiệt hại. Khi đó, doanh nghiệp sẽ ngày càng nghiêm túc và tuân thủ pháp luật đầy đủ trong việc bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh cho người dân, cộng đồng. Đồng thời điều này cũng chính là gắn liền với lợi ích bảo vệ môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn hợp pháp cho doanh nghiệp”, bà Nam nói.