Lỗ hổng bổ nhiệm lãnh đạo nhìn từ vụ Dự án B5 Cầu Diễn

Lỗ hổng bổ nhiệm lãnh đạo nhìn từ vụ Dự án B5 Cầu Diễn

(ĐTCK) Vụ án cựu lãnh đạo HAIC lạm quyền huy động vốn tại Dự án B5 Cầu Diễn đã chỉ ra thực trạng về lỗ hổng bổ nhiệm lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP. Hà Nội. Vào thời điểm chuyển đổi từ Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng nông lâm nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hà Nội), HAIC được điều chỉnh tăng vốn từ 7,1 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng. Khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn được giao giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HAIC (từ năm 2010-2012).

Điều hành một doanh nghiệp hoạt động đa ngành (xây dựng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ xe ô tô, thiết bị phụ tùng, khai khoáng...), nhưng Nguyễn Văn Tuẫn thừa nhận, bản thân không có bằng cấp chuyên ngành kinh tế.

Cựu Chủ tịch HAIC cho biết, mình xuất thân từ cử nhân lâm-sinh học và từng đi giảng dạy. Thiếu kiến thức quản trị tài chính, trong 2 năm ngồi ghế lãnh đạo của HAIC, Nguyễn Văn Tuẫn để xảy ra hàng loạt sai phạm về huy động vốn, sử dụng vốn sai mục đích, dẫn đến thất thoát lượng lớn tài sản, khó có khả năng thu hồi.

Nguyễn Văn Tuẫn thanh minh, bản thân chỉ vi phạm nhất định về quản lý tài sản nhà nước. Nhưng tại phiên tòa ngày 15/9/2016, Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã nhấn mạnh sai phạm của bị cáo là nghiêm trọng, đồng thời chỉ ra rằng, có lỗ hổng trong bổ nhiệm lãnh đạo tại HAIC.

Sai phạm của Nguyễn Văn Tuẫn xuất phát từ việc huy động vốn trái phép. Năm 2010, UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 5801/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh chủ đầu tư công trình xây dựng nhà ở tại lô đất CT5 (Dự án B5 Cầu Diễn) cho Liên danh HAIC và Housing Group. Nhưng từ tháng 5/2008, Nguyễn Văn Tuẫn đã chủ trì cuộc họp cán bộ chủ chốt của HAIC bàn về việc triển khai, thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn.

Thực tế, từ ngày 9/8/2008 đến 22/3/2012, Nguyễn Văn Tuẫn chỉ đạo cấp dưới thu hơn 263 tỷ đồng của các cá nhân góp vốn thực hiện Dự án. Điều này là trái quy định tại Điều 39, Luật Nhà ở và Điều 3, Thông tư số 117/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Mặt khác, căn cứ Điều lệ của HAIC, chủ tịch HĐQT chỉ được quyền quyết định các dự án đầu tư, phương án huy động vốn, hợp đồng vay, cho vay, các hợp đồng khác và bán tài sản có giá trị từ 30-50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Tuẫn huy động vốn thông qua Hợp đồng hợp tác đầu tư là vượt thẩm quyền cho phép.

Số tiền 263 tỷ đồng thu được lẽ ra phải được thực hiện cho Dự án B5 Cầu Diễn, nhưng bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn chi sai mục đích, theo nhận định của Hội đồng xét xử, là “dễ dàng” và “vô nguyên tắc” (vì không báo cáo chủ sở hữu là UBND TP. Hà Nội).

Điển hình là giao cho chi nhánh HAIC tại Hải Dương số tiền 30 tỷ đồng đền bù hoa màu, giải phóng mặt bằng Nhà máy gạch tuynel; 2 tỷ đồng san lấp ao Tây Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội), chi mua tài sản cố định hơn 33 tỷ đồng; mua thép của Công ty Xây dựng Trường Giang 96 tỷ đồng… Sự yếu kém trong quản trị được thể hiện rõ nhất trong dự án mua 1.100 m2 đất để di dời trụ sở Công ty. Sau khi nhân viên đặt cọc 15,3 tỷ đồng, Nguyễn Văn Tuẫn mới phát hiện đây là lô đất nông nghiệp, không được phép xây dựng. Cựu chủ tịch HAIC cũng thừa nhận đã giao phó cho nhân viên thực hiện, nhưng không kiểm tra, kiểm soát.     

Khách hàng có thể lấy lại tiền?

Những sai phạm của cựu lãnh đạo HAIC sẽ được pháp luật xử lý nghiêm minh, tuy nhiên, yêu cầu của hàng trăm khách hàng đã bỏ lửng 6 năm nay khi nào được giải quyết vẫn là câu hỏi ngỏ.

Theo tài liệu tố tụng, hiện tại, chỉ có một bộ phận nhỏ (8 khách hàng) được hoàn trả tiền (khoảng 7,2 tỷ đồng), còn hầu hết những khách hàng khác vẫn đang phải “ngậm ngùi” theo dõi vụ việc. Nhiều khách hàng có nhu cầu rút vốn, nhưng 6 năm nay, yêu cầu này chưa được đáp ứng. Tuy nhiên, tia hy vọng đã lóe lên khi lãnh đạo HAIC đương nhiệm mới đây đã hứa sẽ giải quyết các yêu cầu.

Đại diện HAIC cho biết, Công ty đã có các buổi làm việc với Công ty Xây dựng Trường Giang về số tiền 96 tỷ đồng nợ đọng khi mua thép. Tới đây, HAIC sẽ quyết liệt đòi số tiền này để đảm bảo quyền lợi của các khách hàng. HAIC cũng hứa hẹn sẽ báo cáo chủ sở hữu để thoái vốn tại một số dự án, sớm thu hồi vốn.

Trong khi đó, đại diện Công ty Xây dựng Trường Giang cũng cho hay, hai bên đã lên phương án trả tiền hoặc thép, sau khi có phán quyết của Tòa án.

Theo lịch, ngày 19/9/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ tuyên án. Số tiền 96 tỷ đồng nếu HAIC thu được sẽ dùng để khắc phục một phần thiệt hại cho các khách hàng.

Tin bài liên quan