Làm rõ quyền khởi kiện của cổ đông

Làm rõ quyền khởi kiện của cổ đông

Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội trả lời thắc mắc của độc giả ở địa chỉ: hoangtran...@gmail.com gửi về Báo Đầu tư đề nghị làm rõ quy định về quyền khởi kiện của cổ đông công ty cổ phần trong Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 15/11/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về Luật Doanh nghiệp.

Theo Điều 25, Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 15/11/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về Luật Doanh nghiệp quy định về quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) trong công ty cổ phần, pháp luật đã trao quyền khởi kiện cho cổ đông công ty cổ phần, đồng thời cũng quy định các trường hợp được quyền khởi kiện.

Tuy nhiên quy định này có một số hạn chế như sau: 

Thứ nhất, pháp luật không quy định quyền trực tiếp được khởi kiện của cổ đông công ty cổ phần mà phải thông qua ban kiểm soát. Chỉ khi ban kiểm soát không khởi kiện thì cổ đông mới được tiến hành khởi kiện dẫn đến tình trạng thiếu khả thi trên thực tế.

Thứ hai, trách nhiệm của bị đơn trong trường hợp thực hiện quyết định, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành mà bị khởi kiện gây thiệt hại cho nguyên đơn chưa được xác định. Cụ thể, Khoản 2, Điều 27, Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định: “Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông, thành viên HĐTV hoặc thành viên HĐQT yêu cầu khởi kiện hoặc trực tiếp khởi kiện đối với nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi tòa án hoặc trọng tài có quyết định khác”.

Điều này vô hình trung đã làm cho quyền khởi kiện của cổ đông trở nên không có hiệu quả. Bởi lẽ, trong thời gian chờ phán quyết của tòa án, nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thi hành, nhưng gây thiệt hại cho cổ đông khởi kiện thì ai chịu trách nhiệm, nhất là khi các nghị quyết, quyết định này đã thực hiện được một khoảng thời gian và có nhiều thay đổi gây bất lợi cho cổ đông khởi kiện.

Thứ ba, quy định về vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm hạn chế rủi ro do các quyết định, nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hiện nay chưa được quy định. Điều 102, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 có quy định về biện pháp khẩn cấp: “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”.

Tuy nhiên, đây là trường hợp tạm thời đình chỉ đối với một quyết định mà không phải là hành vi.  Hơn nữa, theo quy định pháp luật, việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án, trọng tài phải có tài sản bảo đảm hay thủ tục tố tụng kéo dài khiến cho bên khởi kiện (nhóm cổ đông thiểu số) nản lòng, dù quyền lợi bị ảnh hưởng.

Do đó, cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ trong công ty cổ phần, đảm bảo quyền và khả năng thực hiện quyền của nhóm cổ đông này theo hướng như sau:

Một là, các bên có thể vận dụng chính các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 để ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ban hành hoặc thông qua quyết định, nghị quyết. Theo đó, khi thông qua các nghị quyết, quyết định trái với pháp luật và điều lệ công ty thì những tổ chức, cá nhân thông qua nghị quyết, quyết định đó “phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm” (khoản 4, Điều 108, Luật Doanh nghiệp 2005).

Hai là, đối với vấn đề hiệu lực của nghị quyết, quyết định của đại hội đồng cổ đông, Luật Doanh nghiệp và nghị định hướng dẫn thi hành cần có những quy định chi tiết hơn hoặc thống kê về những trường hợp nghị quyết, quyết định có hiệu lực thi hành ngay (giống quy định về các quyết định được thông qua tại cuộc họp đại hội cổ đông với số cổ đông trực tiếp và ủy quyền tham dự đại diện 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục triệu tập, nội dung chương trình họp và thể thức tiến hành họp không được thực hiện đúng như quy định - khoản 4, Điều 104, Luật Doanh nghiệp).

Ba là, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành cần chi tiết hơn quy định về bổn phận người quản lý công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông khởi kiện người quản lý, bổ sung quy định bảo vệ lợi ích của cổ đông trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Bốn là, cần sớm sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc ban hành riêng một luật/pháp lệnh theo hướng, nên có một quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn, xây dựng cơ chế khởi kiện áp dụng đối với tranh chấp nội bộ công ty, tránh tình trạng giải quyết kéo dài như hiện nay (2 - 4 tháng, thậm chí 1 - 2 năm) gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và góp phần để doanh nghiệp sớm ổn định tình hình tổ chức và hoạt động.

Tin bài liên quan