Kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả để giảm nợ công

Bộ Tài chính đã đề ra các biện pháp để quản lý chặt nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), đảm bảo trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia.

Nợ công của Việt Nam đã đến giới hạn trần (Ảnh minh hoạ)

Nợ công của Việt Nam đã đến giới hạn trần (Ảnh minh hoạ)

Mặc dù vay nợ là giải pháp quan trọng để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành nhờ vốn vay, phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, một số vấn đề tồn tại, hạn chế của việc vay nợ như: huy động vốn vay mới tập trung vào tăng quy mô, mở rộng diện, mà chưa đề cao hiệu quả, làm cho nợ công tăng nhanh, đến cuối năm 2014 đã sát giới hạn trần đã được Quốc hội phê duyệt. Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ đến hạn. Quản lý nợ công còn phân tán, phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ…

Để khắc phục những tồn tại này, Bộ Tài chính đã đề ra các biện pháp để quản lý chặt nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), đảm bảo trong giới hạn cho phép và an toàn tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay theo hướng: rà soát lại các dự án đang triển khai, cơ cấu lại nguồn vốn, kiên quyết loại bỏ dự án kém hiệu quả, phân kỳ đầu tư để tập trung vốn cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Xác định rõ danh mục chương trình, dự án sử dụng vốn vay công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, sắp xếp ưu tiên và đề xuất cơ chế tài chính cấp phát/cho vay lại ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để đánh giá tác động lên nợ công, thẩm định chặt chẽ khả năng trả nợ và đảm bảo trong giới hạn nợ công, nợ Chính phủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình sử dụng vốn vay của các chủ dự án, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm toán việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay nợ công, đặc biệt là việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, bố trí vốn chủ sở hữu, tình hình sử dụng vốn vay, thu hồi và trả nợ công.

Tin bài liên quan