Nghị quyết ĐHCĐ có thể bị hủy bỏ bởi tòa án theo yêu cầu của cổ đông

Nghị quyết ĐHCĐ có thể bị hủy bỏ bởi tòa án theo yêu cầu của cổ đông

Khởi kiện nghị quyết ĐHCĐ chỉ một tháng là xong!

(ĐTCK) Bộ luật Tố tụng dân sự mới đã áp dụng được một thời gian, thời gian giải quyết một số tranh chấp trước đây sẽ được rút ngắn do được chuyển sang giải quyết theo thủ tục việc dân sự, trong đó có việc khởi kiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nghị quyết HĐQT. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) xung quanh vấn đề này. 

Thưa luật sư, sau gần 3 tháng có hiệu lực (1/7/2016), những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã thể hiện ra sao? Liệu đương sự có thể giảm thời gian theo đuổi các vụ kiện?

Mặc dù mới có hiệu lực và được đưa vào áp dụng chưa đủ thời gian để giải quyết những vụ án phức tạp kéo dài, nhưng trước mắt chúng tôi thấy rất khả thi trong những việc dân sự và nguồn, căn cứ để giải quyết các tình huống pháp luật gần như triệt để và đầy đủ.

Ngoài ra, để giản tiện hơn trong tố tụng đối với những vụ án dân sự không quá phức tạp, tài liệu, chứng cứ đầy đủ…, Bộ luật Tố tụng dân sự còn quy định thêm về thủ tục rút gọn với một trình tự riêng nhằm tránh áp dụng cứng nhắc, loại bỏ các thủ tục không cần thiết và tiết kiệm thời gian cũng như vật chất cho xã hội mà vẫn đạt được hiệu quả pháp luật cũng như thực thi được ý chí của các bên theo đúng các nguyên tắc luật định. Điều 316 và 317 đã quy định rõ các trình tự tố tụng này.

Về nguồn luật áp dụng khi giải quyết, ngoài luật áp dụng trong các vụ án có tính chất riêng, đa dạng trong dân sự được cụ thể hoá bằng các bộ luật do cơ quan lập pháp ban hành thì thời gian gần đây, Tòa án nhân dân tối cao còn tập hợp các bản án có tính chất đặc thù trong các giao dịch dân sự có tính phổ biến song lại có nhiều cách hiểu khác nhau để tạo ra hành lang chung trong việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất cho các tình huống tương tự. Vì thế, các án lệ đã ra đời và được áp dụng cùng với các quy định chung của cơ quan lập pháp.

Thậm chí, theo quy định tại Điều 4, Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, các chủ thể trong Luật Dân sự có quyền khởi kiện và toà án phải thụ lý, không được từ chối với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Điều này sẽ giải quyết triệt để các quan hệ dân sự trong xã hội nếu các bên có yêu cầu.

Luật sư Vũ Ngọc Chi 

Trước đây, luật quy định về khởi kiện nghị quyết HĐQT, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, nay việc này được đưa thành việc dân sự. Thực tế thực thi quy định này có tác động ra sao đến cổ đông, doanh nghiệp?

Bộ luật Tố tụng dân sự mới đã mở rộng rất nhiều và bổ sung ghi nhận nhiều việc dân sự trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động tại các Điều 27, 29, 31, 33. Đối với các việc dân sự này, áp dụng các bước tố tụng thì trong vòng 1 tháng sẽ mở phiên họp dân sự (theo Điều 366, Bộ luật Tố tụng dân sự).

Trong trường hợp các vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn thì thời gian để toà án ra quyết định đưa vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn cũng là 1 tháng (theo Điều 318, Bộ luật Tố tụng dân sự).

Như vậy, nếu là việc dân sự hoặc vụ án dân sự mà được áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn để đưa ra xét xử hoặc mở phiên họp đều chỉ là 1 tháng. Rất nhanh và ngắn gọn.

Với thủ tục tố tụng mới, cổ đông muốn đề nghị hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ, nghị quyết HĐQT thì cần lưu ý những gì để đảm bảo yêu cầu sẽ được chấp nhận?

Luật tố tụng mới chuyển việc khởi kiện nghị quyết HĐQT, nghị quyết ĐHCĐ thành việc dân sự mang tính chất hai mặt. Mặt tích cực là giải quyết được những vấn đề cần sửa sao cho đúng luật và đúng điều lệ. Nhưng nó cũng có mặt trái là dễ dàng khởi kiện mà có thể không cân nhắc, điều này có thể bị lợi dụng vì mục đích riêng hoặc vì lợi ích nhóm trong doanh nghiệp, gây bè phái, mất đoàn kết, hao tổn thời gian và kinh phí vào những việc vô bổ.

Để bảo vệ được quyền lợi của cá nhân cũng như tập thể, điều luôn luôn cần thiết là các bên cần có sự am tường nhất định về pháp luật và hơn thế nữa, cần có cái tâm trong việc hành xử với nhau trong việc giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích. Có vậy, họ tự bảo vệ mình và bảo vệ được cả quyền lợi tập thể trong một thể thống nhất, trong ngôi nhà chung - pháp nhân do chính họ gây dựng nên.

Tin bài liên quan