Khởi kiện dân sự, khi “quả bóng” trách nhiệm cứ lăn!

Khởi kiện dân sự, khi “quả bóng” trách nhiệm cứ lăn!

(ĐTCK) Từ thực tiễn tố tụng thời gian vừa qua, Tòa án Nhân dân tối cao nên ban hành Nghị quyết nhằm sửa đổi các Nghị quyết được ban hành trước đó vốn đã không còn phù hợp.

Trong bài 1 đăng tải trên số báo 33, ra ngày 18/3, ĐTCK đã đề cập đến quyền khởi kiện vụ án dân sự được áp dụng trong thực tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hậu quả thì không cơ quan nào nhận trách nhiệm. Trong bài 2 này, chúng tôi xin đưa ra những quy định hiện hành và những đề xuất về vấn đề này.

Bài 2: Cần tăng trách nhiệm cán bộ Tòa án

 Khởi kiện dân sự, khi “quả bóng” trách nhiệm cứ lăn! ảnh 1 Việc tra cứu thông tin DN trên địa bàn TP. Hà Nội rất dễ dàng

Quy định hiện hành

Theo quy định tại Điều 58, 59 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2004, các đương sự (bao gồm cả người khởi kiện) có các quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Cụ thể, có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án; Đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Toà án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu.

Quy định trên cho thấy, nếu người khởi kiện không thể cung cấp đầy đủ chứng cứ, chứng minh thì họ có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho họ (có trả phí). Quy định này cũng được thể hiện trong Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 12/5/2006 hướng dẫn thi hành các quy định về "Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm" của Bộ luật TTDS (Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS năm 2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012) cũng quy định trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Theo đó, “cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ”(Điều 7).

Ngoài ra, Điều 94 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS năm 2011 cũng quy định cụ thể vấn đề yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ.

Trở lại với 2 vụ việc đã nêu trong bài 1, nếu anh A và ông Paul không thể cung cấp được bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN mà họ định khởi kiện và có yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho mình, thì Tòa án phải có trách nhiệm trợ giúp người khởi kiện. Bởi lẽ, Công văn yêu cầu của Tòa án gửi cho một cơ quan nhà nước khác sẽ có “sức nặng” hơn so với việc người khởi kiện tự mình đi xác minh, thu thập chứng cứ.

Trong vụ việc này, Tòa án (mà cụ thể là cán bộ tiếp nhận hồ sơ/thẩm phán phụ trách vụ việc) đã đá quả bóng trách nhiệm phải cung cấp đầy đủ chứng cứ sang người khởi kiện. Điều này dẫn đến việc người khởi kiện đã mất quyền khởi kiện và bị thiệt hại đến quyền và lợi ích về tài sản của họ, khi không thể khởi kiện bị đơn ra Tòa án hoặc bị hết thời hiệu khởi kiện do thiếu các loại chứng cứ phải cung cấp cho Tòa án. Thêm vào đó, hai ví dụ trên cũng cho thấy một kẽ hở mà bị đơn có thể lợi dụng để ngăn chặn quyền khởi kiện của nguyên đơn, đó là việc bị đơn có thể thỏa thuận “ngầm” với cán bộ tiếp nhận hồ sơ/thẩm phán phụ trách vụ việc để thông qua Tòa án, bắt người khởi kiện phải cung cấp đầy đủ chứng cứ. Mặc dù đây chỉ là giả định, nhưng với thực tế hàng nghìn vụ việc mà người khởi kiện không thể cung cấp cho Tòa án các giấy tờ cần thiết (mà tự người khởi kiện không thể thực hiện được) thì giả định này hoàn toàn có thể thành hiện thực trong thực tế tố tụng hiện nay của Việt Nam.

 

Những kiến nghị

Bộ luật TTDS 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã bước sang năm thứ 9 kể từ ngày có hiệu lực pháp luật. Thực tế, những hướng dẫn thi hành Bộ luật của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã bộc lộ những kẽ hở, có thể ảnh hưởng đến các quyền của người khởi kiện trong giai đoạn nộp đơn khởi kiện, gây thiệt hại cho đương sự cả về mặt vật chất cũng như khó khăn trong công tác thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật. Từ thực tiễn tố tụng thời gian vừa qua, Tòa án Nhân dân tối cao nên ban hành Nghị quyết nhằm sửa đổi các Nghị quyết được ban hành trước đó vốn đã không còn phù hợp với thực tiễn tố tụng hiện nay cũng như giải quyết những vấn đề mà thực tiễn tố tụng đang đặt ra. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần xây dựng một bộ Thủ tục hành chính và niêm yết công khai liên quan đến việc người khởi kiện yêu cầu Tòa án tiến hành xác minh và thu thập chứng cứ, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn và kịp thời. Bộ thủ tục hành chính này cần được cán bộ tiếp nhận hồ sơ/thẩm phán phân công giải quyết vụ việc giải thích rõ cho người khởi kiện.

Thứ hai, về yêu cầu xác minh thông tin về DN là bị đơn trong các vụ kiện dân sự, lao động, kinh doanh - thương mại: Tòa án Nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể cho các Tòa án địa phương về việc sau khi tiếp nhận đơn của người khởi kiện, Tòa án (cụ thể là cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thẩm phán phụ trách vụ việc) có thể tự mình xác minh thông qua cơ sở dữ liệu về DN vốn được công bố công khai trên website của các Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ sở dữ liệu DN trên cổng thông tin điện tử Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia (www.dangkykinhdoanh.gov.vn/ hoặc www.businessregistration.gov.vn). Theo đó, thông tin về DN (bị đơn) như tên DN, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật… được niêm yết công khai và cập nhật nhất. Thông qua đó, Tòa án có thể chấp nhận đơn khởi kiện của người khởi kiện, giảm thiểu thời gian đi lại hoặc đơn từ trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước (Tòa án nhân dân các cấp - Sở Kế hoạch và đầu tư), cũng như thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử vốn đang được đẩy mạnh thời gian qua.