Khó xử lý tội phạm rửa tiền, vì sao?

Khó xử lý tội phạm rửa tiền, vì sao?

(ĐTCK) Vào ngày 16/2 tới, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

Trong vụ án này, bị cáo Giang Văn Hiển (67 tuổi, ở TP.HCM) bị cáo buộc về hành vi giúp sức cho con trai là Giang Kim Đạt (sinh năm 1977, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) tham ô số tiền hơn 259,5 tỷ đồng. Cụ thể, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ Giang Văn Hiển mở 22 tài khoản ngoại tệ nhận và rút tiền “hoa hồng”.

Số tiền phi pháp trên được Giang Văn Đạt đầu tư vào bất động sản trong nước và chuyển tiền ra nước ngoài. Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản, phong tỏa và kê biên 40 bất động sản trong nước gồm đất, nhà chung cư, biệt thự và một số bất động sản tại Singapore, căn hộ chung cư tại Anh…

Trên thực tế, tội phạm rửa tiền không phải là loại hình mới tại Việt Nam, nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an từng cho biết, vụ án Giang Kim Đạt là điển hình của tội phạm tham nhũng và rửa tiền, rất ít khi áp dụng tại Việt Nam.

Tại Bộ luật Hình sự năm 1999, loại tội phạm này được quy định tại Điều 251 - Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, nhưng đến Bộ luật Hình sự sửa đổi (năm 2009), thuật ngữ “rửa tiền” mới chính thức được đưa vào sử dụng. 

Khái niệm này được mô tả cụ thể tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7/6/2005 về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Khung pháp lý đã có, nhưng việc thực thi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc truy tố và đưa ra xét xử tội phạm về rửa tiền rất hiếm.

Nhìn nhận về thực tế này, Tiến sĩ Đào Lệ Thu (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu so sách luật công, Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chính là việc chứng minh dòng tiền gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, các giao dịch tài chính tại Việt Nam thường không theo chuẩn quốc tế và trong nền kinh tế vẫn giao dịch tiền mặt là chủ đạo. 

“Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành còn một số điểm hạn chế như không truy cứu trách nhiệm đối với người tự rửa tiền và pháp nhân thương mại; chỉ quy định tiền do phạm tội mà có, chưa chỉ rõ do phạm tội nào mà có. Trong khi trên thế giới, họ có thể phân loại theo hai cách là danh sách các tội phạm nguồn hoặc là phạm tội nghiêm trọng… ”, Tiến sĩ Thu phân tích.

Theo bà Thu, Bộ luật Hình sự mới năm 2015 (hiện đang bị lùi thời hạn có hiệu lực) đã quy định rõ hơn về hành vi rửa tiền tại Điều 324 “… che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Như vậy, việc chứng minh tội phạm có thể dễ dàng hơn so với trước đây.

Tin bài liên quan