Kế toán giả mạo chữ ký giám đốc rút tiền tỷ, quá dễ!

Kế toán giả mạo chữ ký giám đốc rút tiền tỷ, quá dễ!

(ĐTCK) Quyền Kế toán trưởng CTCP Viễn thông đầu tư và thương mại quốc tế đã ký giả chữ ký Tổng giám đốc để rút hàng chục tỷ đồng của Công ty.

Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Đàm Vân Anh (SN 1983, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), nguyên là quyền Kế toán trưởng CTCP Viễn thông đầu tư và thương mại quốc tế.

Được tuyển dụng từ tháng 11/2010 và sau đó 2 tháng được bổ nhiệm làm quyền Kế toán trưởng, Đàm Vân Anh có trách nhiệm quản lý Phòng Tài chính kế toán và quản lý thu chi của Công ty, trong đó trực tiếp phụ trách thanh toán với các đối tác qua ngân hàng.

Sau khi được bổ nhiệm làm quyền Kế toán trưởng, Vân Anh có hành vi giả chữ ký của Tổng giám đốc Công ty và dùng uỷ nhiệm chi có chữ ký khống của Tổng giám đốc để rút tiền của Công ty.

Tổng cộng từ ngày 24/2/2011 đến giữa tháng 6/2012, Vân Anh rút gần 10 tỷ đồng bằng cách giả chữ ký chủ tài khoản trên uỷ nhiệm chi, sử dụng uỷ nhiệm chi có chữ ký khống để rút tiền mặt và 55 lần chuyển tiền từ hai tài khoản của Công ty tại VP Bank và MB.

Tại cơ quan điều tra, Vân Anh khai không nhớ chính xác thời gian từng lần rút và tổng số tiền đã chiếm đoạt. Sau khi chiếm đoạt tiền, Vân Anh mua hai căn hộ đứng tên người thân và cho Công ty vay lại 900 triệu đồng; số tiền còn lại dùng để chơi cờ bạc.

Đàm Vân Anh bị Tòa án tuyên phạt 20 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án cho thấy sự yếu kém trong quản trị rủi ro tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam khi mà kế toán trưởng rút tiền nhiều lần, trong thời gian dài mà chủ tài khoản là tổng giám đốc không hay biết.

Đây không phải là trường hợp hiếm hoi khi các kế toán viên phải đứng trước vành móng ngựa. Cách đây không lâu, TADN TP. Hà Nội cũng đưa ra xét xử một kế toán viên vì hành vi ký giả chữ ký chủ tài khoản để rút tiền. Theo đó, Đoàn Thị Thảo (SN 1987, trú tại Nam Định) đã bị tuyên phạt 6 năm tù giam.

Theo hồ sơ vụ án, Thảo được Công ty Beecom bổ nhiệm làm Kế toán trưởng kiêm thủ quỹ, giữ con dấu, lập séc, lập sổ sách chứng từ và theo dõi công nợ. Công ty Beecom mở tài khoản tại Agribank - Chi nhánh Mỹ Đình, đăng ký chữ ký ông Hợp là chủ tài khoản, ông Tĩnh là người được ủy quyền và Thảo là Kế toán trưởng.

Từ ngày 3/9/2009 đến ngày 23/10/2009, Thảo đã ký giả chữ ký chủ tài khoản và người được ủy quyền vào 7 tờ séc, trong đó 2 tờ ký giả chữ ký ông Hợp không giống mẫu nên Thảo không dùng giao dịch mà để lại Công ty, 5 tờ séc còn lại Thảo mang đến Ngân hàng rút tổng cộng 271,2 triệu đồng.

Tại tòa, Thảo thừa nhận chữ ký của ông Hợp và ông Tĩnh trên 5 tờ séc nêu trên là do Thảo ký, nhưng được ông Hợp và ông Tĩnh ủy quyền cho ký thay. Thảo khai, Công ty phát sinh hoạt động thu - chi hàng ngày, nhưng ông Hợp không thường xuyên có mặt tại Công ty, nên để thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, Thảo chủ động thu - chi rồi báo cáo ông Hợp. Ông Hợp giao cho Thảo ký thay nhiều giấy tờ của Công ty như: tờ khai thuế, báo cáo tài chính, ủy nhiệm chi, séc, nhưng chỉ giao miệng, không có văn bản. Trước khi ký thay vào séc, Thảo đều gọi điện xin ý kiến ông Hợp rồi mới thực hiện, số tiền rút được Thảo không chiếm đoạt, mà chi trả cho khách hàng và chi cho hoạt động Công ty.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Hợp phủ nhận việc Thảo gọi điện xin phép ký thay vào 5 tờ séc, cũng không thấy Thảo báo cáo lãnh đạo Công ty về việc rút và chi số tiền 271,2 triệu đồng. Ông Hợp cũng không thừa nhận việc giao cho Thảo ký thay vào một số hồ sơ, chứng từ của Công ty.

Nhìn nhận về những vụ việc ký giả này, luật sư Trần Minh Hải cho rằng, không thể viện bất kỳ cớ nào để ký giả chữ ký của chủ tài khoản. Luật pháp cho phép có trường hợp được ký thay, chẳng hạn đồng cấp, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc thì có thể ký thay, cách nhau một cấp thì thừa lệnh, nếu là nhân viên bình thường thì thừa ủy quyền. Nhưng trong hoạt động ngân hàng, ngân hàng quy định tài khoản phải đăng ký 2 chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng, để ràng buộc người quyết chi thì không được quyền chi và người được quyền chi thì không được quyết chi. Quy định trong lĩnh vực ngân hàng không cho phép việc ký thay. Do đó, việc ký giả chữ ký chủ tài khoản là không thể chấp nhận và pháp luật buộc các cá nhân tham gia giao dịch phải biết điều này.

Thực tế, tại nhiều DN, các cán bộ trẻ thường gặp phải rủi ro pháp lý tương tự như trường hợp nêu trên, nhất là khi chịu sức ép công ăn việc làm. Không thiếu trường hợp họ thực hiện công việc ngoài chức năng, nhiệm vụ mà chỉ được giao miệng, để rồi sau đó phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí có cán bộ ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hồ sơ tín dụng ký cả chục năm trước đó.

Tin bài liên quan