Ông Đinh Xuân Thảo

Ông Đinh Xuân Thảo

Hoàn thiện thể chế để tạo môi trường thông thoáng

(ĐTCK) Năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới hoặc sửa đổi bổ sung những luật hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Quốc hội) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, nhìn lại năm 2014, đâu là trọng tâm công tác xây dựng pháp luật, nhất là với mảng luật pháp liên quan đến hoạt động kinh tế?

Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 trên cơ sở sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trọng tâm của công tác làm luật là đưa Hiến pháp mới vào cuộc sống. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến thì các cơ quan có thẩm quyền cũng đã rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, đối chiếu với Hiến pháp xem nội dung nào trái với Hiến pháp thì dừng ngay, hủy bỏ. Điều luật nào có phần phù hợp thì phải chỉnh sửa. Nội dung nào Hiến pháp quy định mà thực tế chưa có luật thì xây dựng luật mới, bổ sung luật cũ, đảm bảo thực thi Hiến pháp.

Có 4 nhóm gồm nhóm luật về tổ chức được ưu tiên làm ngay và thông qua chậm nhất vào kỳ họp thứ 10 vào cuối 2015 như Luật Tổ chức Quốc hội, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân… Nhóm luật về quyền cơ bản của con người, công dân được xây dựng, sửa đổi đến 2016; nhóm thứ 3 là các luật hoàn thiện thể chế kinh tế phải xúc tiến ngay sửa đổi bổ sung, thực hiện từ nay đến năm 2020; cuối cùng là luật liên quan đến bảo vệ an ninh tổ quốc, đối ngoại…, sẽ tiến hành song song với 3 nhóm trên.

Riêng về nhóm pháp luật về kinh tế, trong 2 kỳ họp của năm 2014 đã ban hành được nhiều luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước… 

Trong số những luật điều chỉnh các quan hệ trong các ngành kinh tế, theo ông, có những luật nào nổi bật, có tác động đến môi trường kinh doanh?

Với pháp luật về kinh tế, doanh nghiệp, có một số điểm mới nổi bật mà theo đó, quán triệt tinh thần quy định tại Điều 33 Hiến pháp 2013: mọi người có quyền kinh doanh trong tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cũng theo Hiến pháp, quyền tự do của công dân chỉ bị hạn chế trong 4 trường hợp và phải bằng luật định. Đó là các trường hợp nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (khoản 2 Điều 14).

Các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vừa được ban hành trong kỳ họp thứ 8 vừa qua đã quán triệt rất rõ nội dung này, với tư duy quản lý doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh làm sao thông thoáng hơn, tạo mọi điều kiện cho mọi tổ chức cá nhân hoạt động thuận lợi, phá bỏ các ràng buộc, rào cản không cần thiết.

Nhà nước đã công nhận doanh nghiệp được kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm và có 6 – 7 lĩnh vực cấm được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư, thay vì hàng chục trường hợp bị cấm như trước đây. Lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có giấy phép con trước đây hiện cũng chỉ còn trên 250 lĩnh vực.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định doanh nghiệp được tự quyết định về con dấu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được tự chọn, tự làm, tự đăng ký con dấu. Ngoài ra, nhiều quy định khác cũng làm giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp do các thủ tục hành chính gây ra. Đây là những điểm mới, tiến bộ, tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, trong lĩnh vực bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, tiến bộ, mở rộng diện sở hữu nhà ở cho người nước ngoài. Đây là thay đổi quan trọng trong tư duy lập pháp, tạo cú hích cho thị trường bất động sản, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế xã hội.

Với Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, có 2 điểm trọng tâm đó là đảm bảo tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng sở hữu, đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức của đơn vị quản lý vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều luật khác như Luật sửa đổi bổ sung các luật thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phá sản sửa đổi, Luật Xây dựng, Luật Hải quan, Luật Công chứng… đều có tác động đến môi trường kinh doanh với hướng hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia đầu tư, kinh doanh. 

Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, từ những bất cập trong thực tiễn cho đến khi được đưa vào luật để điều chỉnh thường tốn rất nhiều thời gian. Đã có những chuyển biến gì trong công tác xây dựng luật để việc ban hành luật được kịp thời hơn?

Trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, chúng ta đã dùng một luật để sửa nhiều luật mà cụ thể là Luật sửa đổi bổ sung các luật thuế (một luật để sửa 5 luật thuế), góp phần rút ngắn quy trình thủ tục ban hành luật.

Đây là nét nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật. Với luật này, nhiều quy định về thuế đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, như với mặt hàng phân bón, để thúc đẩy cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu vào vật tư nông nghiệp, trước đây thuế suất là 5% thì từ 1/1/2015, thuế suất còn 0%.

Chúng ta có thể nhóm lại để sửa các luật cùng tính chất, cùng nhóm, quan hệ xã hội gần nhau. Ví dụ ở Quốc hội khóa XII, đã từng dùng một luật để sửa Luật Đầu tư, Xây dựng, Đấu thầu. Nay, có nhiều lĩnh vực có thể sửa chung, vừa nhanh gọn, vừa đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo, mẫu thuẫn khi sửa nhiều luật, mỗi luật lại do một bộ, ngành xây dựng. Chẳng hạn, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhiều bộ ngành quản lý: ở khâu sản xuất là Bộ NN&PTNN, lưu thông là Bộ Công thương, chế biến là Bộ Y tế.

Nếu sửa về quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì những nội dung nằm rải rác ở 3 nghị định thuộc thẩm quyền 3 bộ giờ có thể chỉ cần 1 văn bản là sửa được. Tuy nhiên, cũng có khó khăn ở chỗ, nếu sửa một luật do một bộ ngành cụ thể phụ trách, nhưng 5 luật thì do 5 bộ, ngành quản lý, như vậy bộ, ngành nào chủ trì để sửa cho trúng và đạt được sự đồng thuận giữa các cơ quan, bộ tham gia xây dựng luật cũng là vấn đề cần đặt ra.

Chúng ta cũng ban hành nhiều luật với thủ tục rút gọn; với dự án luật ngắn, gọn, các vấn đề đã rõ, đã chín muồi, đã có nghị định “không đầu”, thực hiện được một thời gian bây giờ nâng lên thành luật, thì chỉ cần 1 kỳ họp có thể thông qua được. Nhưng vấn đề có nội dung phức tạp, khâu chuẩn bị chưa thật kỹ thì Quốc hội đưa ra khó mà thông qua tại một kỳ họp.

Như vậy là về cách thức làm luật, đã đẩy nhanh tiến trình ban hành luật để giải quyết những vướng mắc thực tế, kịp thời điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh. 

Thực tế nhiều luật ban hành ra nhanh chóng lạc hậu và phải sửa đổi, bổ sung, ông nghĩ sao về điều này?

Tất nhiên, lĩnh vực kinh tế, hoạt động kinh doanh luôn biến động, bởi vậy khi xây dựng Hiến pháp 2013, chúng ta nhận thức rõ nguyên tắc với lĩnh vực kinh tế không quy định chi tiết như trước đây, việc quy định cụ thể dành để luật quy định, nhằm bảo đảm sự linh hoạt, không gò bó hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đến luật, cũng xác định phải làm ngay, sau vài năm, khi thực tiễn thay đổi, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật.

Đây là điều không thể tránh khỏi bởi luật pháp nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, vì thế các quan hệ xã hội phải nảy sinh trước, luật pháp mới đi sau để điều chỉnh.

Nhìn chung, việc làm luật phải xuất phát từ khó khăn vướng mắc, tập trung tháo gỡ, xây dựng, định ra cơ chế chính sách tạo điều kiện tốt hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển. Các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp duy trì, tồn tại và phát triển được cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Nhận thức này quán triệt áp dụng quá trình ra chính sách ban hành văn bản pháp luật năm 2014.

Hiện tại, hầu hết các luật của Việt Nam đều dài, phạm vi điều chỉnh rộng, khó làm. Trước đây, chúng ta có xu hướng đưa hết toàn bộ quan hệ xã hội trong một lĩnh vực vào thành bộ luật như Bộ luật Lao động, nhưng xu hướng hiện nay xây dựng luật đơn giản, phạm vi hẹp, ngắn gọn. Như vậy, việc sửa luật sẽ nhanh và kịp thời hơn.

Tin bài liên quan