Trong vụ án tại VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nâng khống giá trị tài sản đảm bảo từ 2.604 tỷ đồng lên 8.503 tỷ đồng

Trong vụ án tại VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nâng khống giá trị tài sản đảm bảo từ 2.604 tỷ đồng lên 8.503 tỷ đồng

Hình sự hóa hành vi khống giá tài sản đảm bảo, nên hay không?

(ĐTCK) Trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 24/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, nhiều ý kiến đã tập trung xung quanh Điều 206 - Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một số đại biểu đề nghị không quy định xử lý hình sự đối với hành vi “Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi định giá để cấp tín dụng” tại điểm c, khoản 1 điều này.

Lý do mà các đại biểu đưa ra là Luật Các tổ chức tín dụng không bắt buộc tổ chức tín dụng chỉ cấp tín dụng cho khách hàng khi có tài sản bảo đảm và cũng không quy định định giá tài sản bảo đảm phải cao hơn giá trị khoản cấp tín dụng.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tiễn xử lý tội phạm về hoạt động tín dụng, ngân hàng thời gian qua cho thấy hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm trong các trường hợp quy định phải có tài sản bảo đảm là hành vi nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, Điều 206 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định xử lý hình sự đối với hành vi này trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên là phù hợp.

Mấu chốt xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo, vì vậy, công tác thẩm định giá trị tài sản đảm bảo là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho khả năng thu hồi của khoản vay. Tài sản đảm bảo nếu bị nâng khống giá trị sẽ dẫn đến những rủi ro khôn lường cho phía ngân hàng.

Nhìn lại các vụ án đã được đưa ra xét xử tại tòa án, hành vi “nâng khống” giá trị tài sản đảm bảo của cán bộ ngân hàng đã gây ra những hậu quả khôn lường. Vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam – VNCB kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm là ví dụ điển hình.

Biết rõ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị không thể trực tiếp vay vốn tại ngân hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới là Phan Thành Mai (Tổng giám đốc), Mai Hữu Khương (thành viên Hội đồng quản trị)… lập các biên bản họp Hội đồng quản trị hình thức để sử dụng 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh, hợp đồng kinh tế khống.

Từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2014, VNCB Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã tiếp nhận hồ sơ, giải ngân cho các công ty trên vay số tiền 5.000 tỷ đồng. Ngoài một khoản vay 300 tỷ đồng được tất toán, dư nợ gốc là 4.700 tỷ đồng.

Đáng nói, tài sản đảm bảo cho khoản vay là 13 lô đất tại khu vực Sân vận động Chi Lăng và 209 Trường Chinh (Đà Nẵng) thuộc sở hữu Tập đoàn Thiên Thanh đang thế chấp tại ngân hàng khác, nhưng vẫn được các bị cáo đưa vào đảm bảo cho khoản vay trên. Đặc biệt, Phạm Công Danh còn chỉ đạo thẩm định viên nâng giá lên gấp 4 lần giá trị đã được định giá để vay tại ngân hàng trước.

Đến tháng 9/2014, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VNCB đã thuê định giá lại và xác định tài sản chỉ có giá trị là 2.604 tỷ đồng (trước đó giá trị bị “thổi lên” là 8.503 tỷ đồng). Hệ quả là VNCB chỉ có khả năng thu hồi được 2.604 tỷ đồng, số còn lại có khả năng mất trắng.

Trong vụ án này, ba bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên định giá Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (VNCB-AMC) gồm Bạch Quốc Hào (Giám đốc) và Thái Minh Thanh, Đặng Đình Tuấn đã ký vào chứng thư thẩm định trên bị lĩnh án về tội vi phạm quy định về cho vay trong các hoạt động tổ chức tín dụng. 

Thực tế, không hiếm các vụ việc tranh chấp dân sự, khách hàng tố cán bộ ngân hàng cố tình định giá tài sản vượt quá giá trị tự có.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Bross và cộng sự), việc hình sự hóa hành vi này là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động tín dụng ngân hàng trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai.

Bởi có cán bộ tín dụng, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hoặc tổ chức định giá biết rõ tài sản bảo đảm có giá trị thấp, nhưng đã cố ý bằng các thủ đoạn, hành vi nào đó để nâng giá trị tài sản đó lên cao hơn thực tế, nhằm mục đích vay được tiền hoặc vay được số tiền lớn hơn từ các tổ chức tín dụng.

Khi bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, buộc ngân hàng phải xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì mới phát hiện tài sản bảo đảm không đúng thực tế, ngân hàng không thu hồi được khoản nợ đã cho vay.

“Rõ ràng hành vi nâng khống giá trị tài sản bảo đảm với lỗi cố ý trực tiếp và hậu quả khiến ngân hàng hoặc một tổ chức, cá nhân khác thiệt hại số tiền lớn được pháp luật quy định thì là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần phải được hình sự hóa thành luật và không trái với các quy định và nguyên tắc chung của Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Thái nói.

Tin bài liên quan