Hiểu đúng về tuyến phòng vệ thứ ba của doanh nghiệp

(ĐTCK) Kiểm toán nội bộ được coi là tuyến phòng vệ thứ ba của doanh nghiệp. Đây là hoạt động tư vấn và đảm bảo độc lập, khách quan, góp phần nâng cao giá trị và hoàn thiện các hoạt động của tổ chức.
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, Chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng Nghị định Kiểm toán nội bộ năm 2016-2017 của Chính phủ Việt Nam

Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, Chuyên gia tư vấn quốc tế hỗ trợ xây dựng Nghị định Kiểm toán nội bộ năm 2016-2017 của Chính phủ Việt Nam

Thông lệ tốt

Theo Viện Kiểm toán Nội bộ (IIA), kiểm toán nội bộ giúp tổ chức hoàn thành các mục tiêu của mình thông qua việc áp dụng một phương pháp tiếp cận có hệ thống và chặt chẽ, nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản trị, kiểm soát và quản trị rủi ro.

Kiểm toán nội bộ thực hiện hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn mang tính độc lập nhằm hỗ trợ hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được vận hành phù hợp nhằm xử lý các rủi ro phát sinh; hỗ trợ các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị mang tính hiệu quả và có hiệu suất cao; đạt được các mục tiêu hoạt động, kế hoạch và chiến lược đề ra của doanh nghiệp.

Theo các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hội đồng quản trị chịu trách nhiệm định hướng và giám sát việc doanh nghiệp có một hệ thống quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ hiệu quả.

Việc định hướng và giám sát được thực hiện thông qua các ủy ban chức năng thuộc hội đồng quản trị và một chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả. Theo thông lệ quốc tế, kiểm toán nội bộ là một chức năng trực thuộc ủy ban kiểm toán. Đây là một ủy ban giám sát của hội đồng quản trị,  gồm các thành viên chuyên trách của hội đồng quản trị.

Theo mô hình quản trị của Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA), ủy ban kiểm toán là cơ quan phê duyệt điều lệ của kiểm toán nội bộ, phê duyệt việc bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng kiểm toán nội bộ, phê duyệt kế hoạch kiểm toán hàng năm, cùng với trưởng kiểm toán nội bộ rà soát ngân sách kiểm toán nội bộ, kế hoạch nhân sự, các hoạt động cũng như mô hình tổ chức của kiểm toán nội bộ.

Thông thường, các doanh nghiệp cần có ba tuyến phòng vệ nội bộ. Tuyến thứ nhất bao gồm hoạt động kiểm soát được thiết lập trong các quy trình và hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị và của các phòng ban chức năng.

Tuyến phòng vệ thứ hai gồm các chức năng kiểm soát và giám sát được ban điều hành thiết lập, nhằm đảm bảo việc tuân thủ và hiệu quả của các quy trình và hoạt động như: kiếm soát tài chính, đảm bảo an ninh, quản lý rủi ro, quản lý chất lượng, thanh tra, tuân thủ...

Tuyến phòng vệ thứ ba là kiểm toán nội bộ.  Kiểm toán nội bộ đảm bảo sự hiệu quả của quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ, bao gồm cả việc đánh giá một cách độc lập cách thức mà hai tuyến phòng thủ đầu tiên thực hiện mục tiêu quản lý rủi ro và kiểm soát.

Trưởng kiểm toán nội bộ có trách nhiệm quản lý và điều hành bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện nhiệm vụ theo quy định; đảm bảo nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ được đào tạo thường xuyên, có đủ trình độ, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tính độc lập của kiểm toán nội bộ; báo cáo các vấn đề yếu kém, thiếu sót của hệ thống kiểm soát nội bộ; chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện…

Trưởng kiểm toán nội bộ có quyền đề xuất ban hành quy chế, quy trình kiểm toán nội bộ và các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán nội bộ; được đề nghị trưng tập nhân sự ở các bộ phận khác của doanh nghiệp để tham gia vào các cuộc kiểm toán nội bộ khi cần thiết, với điều kiện đảm bảo tính độc lập của kiểm toán nội bộ; dự các cuộc họp theo quy định nội bộ của doanh nghiệp và quy định của pháp luật.

Kiểm toán viên nội bộ xác định các thông tin đầy đủ, tin cậy, phù hợp và hữu ích cho việc thực hiện các mục tiêu kiểm toán; căn cứ vào các phân tích và đánh giá phù hợp để đưa ra kết luận và các kết quả kiểm toán một cách độc lập, khách quan; lưu các thông tin liên quan để hỗ trợ các kết luận và đưa ra kết quả kiểm toán… Họ có quyền yêu cầu các bộ phận, đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ tài liệu thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán.

Thực trạng tại Việt Nam

Hiện nay, kiểm toán nội bộ chủ yếu được triển khai ở các doanh nghiệp quy mô lớn, loại hình hoạt động phức tạp, nhiều rủi ro. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng đã triển khai thí điểm kiểm toán nội bộ trong một số dự án và hoạt động cụ thể. Thực tế, kiểm toán nội bộ chưa được thực hiện một cách hệ thống và kiểm toán viên nội bộ chưa quen thuộc với các yêu cầu và thông lệ kiểm toán nội bộ tiên tiến.

Kiểm toán nội bộ ở Việt Nam đang tập trung vào hoạt động kiểm soát nội bộ chuyên trách hoặc là một bộ phận giúp việc cho hội đồng quản trị trong các vấn đề liên quan đến tài chính, kế toán, quản lý ngân sách. Bộ phận này chưa đảm bảo được nguyên tắc độc lập như là tuyến phòng thủ rủi ro cuối cùng, cũng như chưa thực sự xây dựng được phương pháp đánh giá rủi ro phù hợp với thông lệ tốt nhất nhằm phục vụ mục đích xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ.

Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp, ban kiểm soát được đại hội đồng cổ đông bầu ra với mục đích giám sát hội đồng quản trị và hoạt động của đơn vị thông qua sự trợ giúp của bộ phận kiểm toán nội bộ, nhưng thực tế sự tồn tại của ban kiểm soát hầu như chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật, tính hiệu quả của ban kiểm soát ở nhiều đơn vị chưa cao. Việc thiết lập một ủy ban kiểm toán nằm trong hội đồng quản trị cũng chưa phải là một mô hình phổ biến trong các doanh nghiệp.

Hiểu đúng về tuyến phòng vệ thứ ba của doanh nghiệp ảnh 3

Về cơ bản, Việt Nam hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật về chuẩn mực kiểm toán nội bộ. Đã có một số quy định về kiểm toán nội bộ, nhưng tương đối rời rạc, chưa phổ biến và đã ban hành quá lâu. Hiện tại, chỉ có một số ngành, lĩnh vực có quy định riêng về kiểm toán nội bộ như ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Theo dự kiến, Chính phủ có thể sẽ ban hành nghị định về kiểm toán nội bộ trong năm 2017 cùng với nghị định về quản trị công ty. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực, giúp thúc đẩy vai trò của kiểm toán bộ trong các tổ chức, doanh nghiệp.

Tin bài liên quan