Sở hữu chéo tiềm ẩn nguy cơ  lớn với DN và cả nền kinh tế

Sở hữu chéo tiềm ẩn nguy cơ lớn với DN và cả nền kinh tế

Hạn chế sở hữu chéo, Dự thảo Nghị định chưa bao quát

(ĐTCK) Sở hữu chéo là vấn đề phức tạp và liên quan nhiều tới lĩnh vực tài chính ngân hàng, do đó, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Doanh nghiệp (Luật DN) cần có những quy định cụ thể cả về sở hữu chéo trực tiếp và gián tiếp của nhiều doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo đồng bộ với quy định tại các luật chuyên ngành về vấn đề này.

Đây là ý kiến chung của nhiều luật sư và chuyên gia luật được đưa ra tại Hội thảo mới đây về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, sở hữu chéo chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Dấu hiệu rõ rệt nhất của sở hữu chéo là khi DN sở hữu ngân hàng trục lợi vay tín dụng với điều kiện dưới chuẩn, đây là một trong những lý do dẫn đến nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng hay giao dịch cổ phiếu thời gian qua.

“Hiện nay có tình trạng DN huy động vốn quá dễ, đến mức như in giấy thành tiền, sau đó hậu quả thế nào thì thị trường phải tự chịu. Trong bối cảnh hệ thống luật và việc thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay chưa nghiêm chỉnh, hoàn thiện thì sở hữu chéo dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Đó là vấn đề mà Nghị định hướng dẫn Luật DN phải xử lý rất công phu và đồng bộ với các luật khác như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng… chứ một mình nghị định hướng dẫn Luật DN không thể giải quyết nổi”, ông Lập phân tích.

Cũng theo ông Lập, hiện Dự thảo mới đưa ra được 4 hình thức sở hữu chéo, song trên thực tế có hơn 10 hình thức, nếu cấm A sở hữu B và B sở hữu ngược lại A thì đơn giản quá, trên thực tế không như vậy. Thực tế là DN A có thể sở hữu B thông qua ủy thác, ủy quyền công ty hoặc đầu tư vào công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, ủy quyền cho các công ty này mua lại hoặc đầu tư.

Các hình thức này cũng cần phải đưa vào Dự thảo Nghị định như hình thức sở hữu chéo gián tiếp và cũng cần được điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc quy định tại Nghị định cũng cần đảm bảo đồng bộ với tỷ lệ khống chế và quy định về sở hữu chéo tại các luật chuyên ngành về tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Bùi Thanh Lam thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định hiện hành tại Dự thảo Nghị định mới chỉ dừng lại ở việc chống sở hữu chéo vốn chủ sở hữu, bao gồm phần vốn góp/cổ phần của nhau, tuy nhiên trên thực tế thì không đơn giản như vậy.

“Quy định như trong Dự thảo mới chỉ tính đến sở hữu trực tiếp, vậy còn sở hữu gián tiếp thì có tính là sở hữu chéo không và có cần quy định khống chế, hạn chế không? Đây là những vấn đề thực chất của sở hữu chéo và cần phải có quy định để hạn chế nó, như vậy tên Điều khoản là “hạn chế sở hữu chéo giữa các Công ty” mới đi vào bản chất”, ông Lam phân tích.

Để chứng minh cho điều này, ông Lam đã dẫn chứng các trường hợp sở hữu gián tiếp. Cụ thể, trường hợp Công ty A là công ty mẹ góp vốn hoặc mua cổ phần trên 50% vào công ty con, Công ty A thông qua việc đầu tư vào một Quỹ đầu tư để quỹ này mua cổ phần hoặc góp vốn của Công ty con.

Trường hợp này theo ông Lam cũng cần coi là sở hữu chéo và Dự thảo cần quy định thêm để hạn chế. Hoặc trường hợp Công ty A góp vốn hoặc mua cổ phần trên 50% vào Công ty con, Công ty con ủy thác đầu tư cho Công ty Quản lý quỹ để đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết/OTC trên thị trường (trong đó có cổ phiếu của Công ty A).

Lúc này, giao dịch được hạch toán coi như hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán thông thường. Vậy trường hợp này có bị tính là sở hữu chéo không và giao dịch có bị vô hiệu không? Theo ông Lam, đây là những trường hợp rất đặc thù mà dự thảo Nghị định cần xem xét bổ sung.

Về biện pháp xử lý đối với sở hữu chéo, riêng đối với Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật DN, theo ông Lập, có thể đề ra một số biện pháp, ví dụ khi phát hiện có dấu hiệu sở hữu chéo, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện ra vi phạm thì có thể từ chối các giao dịch đăng ký. Thứ hai là tăng cường các trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự của các thành viên HĐQT, hoặc các thành viên quản lý điều hành cao cấp.

“Thực chất khi tiến hành giao dịch sở hữu chéo thì chủ yếu DN đặt động cơ về lợi nhuận  là hàng đầu, do đó các thành viên HĐQT, giám đốc điều hành DN đều biết rõ mình đang làm gì và buộc phải biết mình đang làm gì. Bởi điều này dẫn đến nguy cơ bị khiếu kiện không những do luật DN mà có thể kiện theo các luật khác nữa. Trong trường hợp này, phải quy trách nhiệm và kiện cá nhân thành viên HĐQT đó thì mới xử lý được”, ông Lập nói.

 Liên quan đến hiệu lực thi hành và việc triển khai thực hiện, luật sư Trần Đăng, Trưởng phòng Thủ tục pháp lý, Tập đoàn Vingroup đề nghị bổ sung nội dung các doanh nghiệp không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước sở hữu 100% thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 1/7/2015 không phải thực hiện quy định tại khoản 2 điều 189 Luật DN. Các doanh nghiệp này có quyền tái cấu trúc theo nhu cầu của doanh nghiệp, song không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

Tin bài liên quan