Hạn chế rủi ro thời hiệu khởi kiện, cách nào?

Hạn chế rủi ro thời hiệu khởi kiện, cách nào?

(ĐTCK) Đối với các doanh nghiệp, việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng khi xảy ra tranh chấp với đối tác. Nhiều vụ việc diễn ra trên thực tiễn là những bài học cho các đương sự vì không nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thời hiệu khởi kiện.

Khi nhận thấy quyền lợi bị xâm phạm, các cá nhân, đơn vị, tổ chức được quyền thực hiện việc khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình. Trên cơ sở các yêu cầu khởi kiện, tòa án sẽ xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi các bên trên cơ sở các quy định pháp luật.

Mặc dù vậy, không phải bất cứ lúc nào các cá nhân, đơn vị, tổ chức cũng có thể khởi kiện, mà tùy thuộc vào từng loại hình vụ việc, lĩnh vực tranh chấp, pháp luật có những quy định về thời hiệu khởi kiện, tức là thời hạn nhất định được phép khởi kiện.

Pháp luật dân sự quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc, thì chủ thể sẽ mất quyền khởi kiện.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản. Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó...

Tùy từng lĩnh vực mà có thể có những quy định riêng về thời hiệu khởi kiện. Chẳng hạn, theo quy định tại Luật Thương mại, thời hiện khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là 2 năm. Luật Hàng hải Việt Nam quy định, thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 1 năm kể từ ngày trả hàng, hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng; thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 2 năm...

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần, hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.

Đơn cử, trong một trường hợp tranh chấp các hợp đồng mua bán thép giữa 2 doanh nghiệp, với khoản tiền tranh chấp là hơn 50 tỷ đồng và kéo dài 4 năm. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, bên bán hàng (nguyên đơn) đã đệ đơn khởi kiện, nhưng khi tòa án xét xử thì nguyên đơn đã vắng mặt 2 lần mà không có lý do chính đáng, dù đã được triệu tập hợp lệ. Do đó, tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, sau khi tòa án ra quyết định đình chỉ, các bên đã có sự trao đổi và bên mua hàng (bị đơn) có một văn bản thừa nhận công nợ và hứa hẹn sẽ thanh toán sau khi hai bên đối chiếu.

Tiếp đó, bên bán hàng lại một lần nữa đệ đơn khởi kiện. Nếu tính thời điểm phát sinh tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện 2 năm đã hết. Tuy nhiên, do văn bản có nội dung thừa nhận công nợ sau này, nên thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), về nguyên tắc, có nợ thì phải trả. Tuy nhiên, người có quyền lợi phải yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi trong thời hiệu pháp luật quy định. Trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt thì nguyên đơn sẽ được xem như từ bỏ quyền và tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, nguyên đơn sẽ không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án nếu vụ việc không có gì thay đổi.

“Như vậy, về nguyên tắc thì bên mua (bị đơn) không cần thiết phải làm việc, hoặc trao đổi, thỏa thuận thêm với bên bán hàng (nguyên đơn) về vụ việc. Việc trao đổi, thỏa thuận có thể sẽ bị xem là thừa nhận một phần, hoặc toàn bộ nghĩa vụ, dẫn đến hệ quả là thời hiệu khởi kiện bị 'khởi động lại'”, Luật sư Chi phân tích.

Dẫu vậy, việc cố tình “lờ đi” sự tranh chấp sau khi có yêu cầu của tòa án có thể dẫn tới hậu quả khác, ảnh hưởng mối quan hệ đối tác, hợp tác kinh doanh sau này. Do đó, nguyên tắc cơ bản vẫn là "có nợ thì phải trả" và các bên nên có sự hợp tác, thỏa thuận giải quyết công nợ để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tin bài liên quan