Góc khuất của đại gia bất động sản Parkcity

Góc khuất của đại gia bất động sản Parkcity

(ĐTCK) Perdana Parkcity (Malaysia) đã thâu tóm một trong những dự án khu đô thị lớn nhất Hà Nội vào thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất, năm 2012. Giới phân tích dự báo, họ sẽ kiếm siêu lợi nhuận từ dự án Park City, song có những góc khuất về cung cách kinh doanh của đại gia này cần được làm rõ.

Kỳ 1: Parkcity bị tố lật lọng khách hàng

Cách hành xử kỳ lạ và bội tín với khách hàng mua nhà liền kề tại Khu đô thị Park City Hà Nội do CTCP Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) làm chủ đầu tư, tạo ra e ngại rằng, mua nhà tại dự án này không cẩn thận sẽ “tiền mất tật mang”.

Bà Trần Thị Dung (trú tại N1, C12 Tập thể nhà máy Pin Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) cho biết, ngày 24/11/2011, VIDC ký hợp đồng mua bán căn nhà 06/05/TH4B (M) tại Khu đô thị Park City Hà Nội với bà, giá bán 10,4 tỷ đồng (chưa VAT). Trong hợp đồng có Phụ lục 3 mô tả chi tiết bản vẽ của căn nhà. Lịch thanh toán được chia thành 4 đợt, đợt đầu là 30% đóng ngay sau khi ký hợp đồng. Bà Dung đã chuyển cho VIDC số tiền 3,25 tỷ đồng.

Trong hợp đồng quy định rõ, hai bên thỏa thuận và thống nhất sẽ thi công và thiết kế căn hộ như bản vẽ được thể hiện trong nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2013, VIDC gửi công văn do ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc ký, nội dung yêu cầu khách hàng trả thêm 315 triệu đồng về việc thay đổi thiết kế căn nhà. VIDC cho rằng, bản vẽ đính kèm với Hợp đồng mua bán nhà do tổng giám đốc trước đây của VIDC là ông Habibullah Khong Sow Kee ký, đã được thay đổi so với thiết kế chung và ông Habibullah Khong Sow Kee đã vi phạm Điều lệ công ty, vi phạm quy chế nội bộ của Công ty. Nay bà Dung muốn căn nhà được xây dựng theo thiết kế như trong hợp đồng, phải nộp thêm tiền.

Bà Dung không chấp nhận vì so với Hợp đồng đã ký, bà chưa có bất cứ yêu cầu thay đổi thiết kế nào. Khi ký hợp đồng mua bán nhà với bà, ông Habibullah Khong Sow Kee là Tổng giám đốc của VIDC, là người đại diện theo pháp luật của Công ty, hợp đồng cũng có đầy đủ dấu của VIDC. Trong các công văn trao đổi giữa hai bên, bà Dung thể hiện quan điểm: “Việc ông Khong vi phạm điều lệ hay quy chế của VIDC thì phải chịu trách nhiệm với VIDC, còn bà không phải chịu trách nhiệm về việc đó”.

Trong khi hai bên còn đang tranh chấp và chưa giải quyết được số tiền VIDC yêu cầu bà Dung nộp thêm, bà Dung tạm không đóng tiền đợt 2, đợt 3 theo lịch thanh toán quy định trong hợp đồng.

Đến ngày 19/2/2014, Công ty Luật Winco, được ủy quyền của VIDC gửi cho bà Dung thông báo chấm dứt hợp đồng với lý do bà chưa nộp tiền mua nhà đợt 2 theo hợp đồng. Phi lý hơn, bà Dung phải chịu khoản tiền phạt hợp đồng bằng 8% giá bán căn nhà với số tiền là 868,5 triệu đồng.

Bà phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho VIDC số tiền là 500 triệu đồng do lỗi của bà gây ra với VIDC liên quan đến việc chậm thanh toán tiền mua nhà. Số tiền bà đã nộp là 3,257 tỷ đồng sẽ được khấu trừ vào số tiền phạt hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Số tiền bà Dung nhận lại là 1,88 tỷ đồng. Việc thanh toán được thực hiện sau khi VIDC bán được căn nhà cho người thứ 3. VIDC sẽ tiến hành thủ tục rao bán căn nhà.

Tại cuộc làm việc ngày 19/5/2014, Bà Dung đồng ý hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà với VIDC đồng thời yêu cầu Công ty phải trả lại cho bà số tiền là 5,71 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Vũ Thúy Diễm, Trưởng ban đối ngoại và phát triển doanh nghiệp VIDC đã không đồng ý với số tiền mà bà Dung yêu cầu, ngược lại tiếp tục giảm số tiền VIDC sẽ trả lại bà Dung xuống 1,56 tỷ đồng (ngoài tiền phạt hợp đồng; tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; bà Dung phải chịu các thiệt hại khác bao gồm phí luật sư tham gia tư vấn và giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán nhà 439,1 triệu đồng). VIDC sẽ khấu trừ các khoản trên vào số tiền bà đã nộp và chỉ trả lại bà Dung sau khi bán được căn nhà cho người thứ ba.

Quá bức xúc về cách hành xử trên của VIDC, bà Dung đã ủy quyền cho luật sư tham gia giải quyết tranh chấp và cho biết sẽ khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

VIDC là công ty liên doanh giữa Perdana Parkcity (S) Pte (Malaysia) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành nhằm thực hiện đầu tư kinh doanh ­­­. Trong đó, Vinaconex - Hoàng Thành chiếm 40% vốn điều lệ, Pernada Parkcity chiếm 59% vốn điều lệ và thể nhân khác chiếm 1% vốn điều lệ. Vào năm 2012, Vinaconex đã thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex - Hoàng Thành và sau đó Vinaconex - Hoàng Thành bán lại toàn bộ vốn tại VIDC cho đối tác Malaysia.

Khu đô thị ParkCity Hà Nội có diện tích lên tới 77 héc-ta. Giai đoạn 1 được triển khai với tên gọi ban đầu là Tiểu khu Ngọc Lan, khi dự án về tay chủ mới được đổi tên thành Tiểu khu Nadyne Gardens. Sau khi thâu tóm dự án vào thời điểm thị trường bất động sản xấu nhất, Perdana Parkcity đã đẩy nhanh tiến độ dự án và hiện đang mở bán giai đoạn 2 với giá trên 10 tỷ đồng/căn.

Kỳ 2: Có hay không chuyện Parkcity trốn thuế VAT?

Tin bài liên quan