Đối với ngân hàng, thiếu cơ sở hạ tầng về kho bãi để quản lý tài sản thế chấp là rủi ro không nhỏ

Đối với ngân hàng, thiếu cơ sở hạ tầng về kho bãi để quản lý tài sản thế chấp là rủi ro không nhỏ

Giữ “con tin”, ngân hàng vẫn có nguy cơ mất vốn

(ĐTCK) Đã từng có thời kỳ các kho hàng của doanh nghiệp được ví như là “con tin” của ngân hàng khi được đem đi “cầm cố”.

Vào giữa năm 2013, dư luận xôn xao khi hàng loạt ngân hàng cử cán bộ, nhân viên bảo vệ bao vây kho hàng của Công ty Inox Âu Mỹ. Hàng loạt xe ô tô được các ngân hàng điều đến, chặn cửa kho hàng, bảo vệ canh chừng 24/24h để quản lý lượng hàng hóa trong kho, đề phòng doanh nghiệp tẩu tán tài sản, thậm chí đề phòng cả ngân hàng bạn “cướp kho” lấy hàng, cho dù lúc đó trong kho hàng Công ty Âu Mỹ chỉ còn chỏng chơ vài cuộn thép.

Cảnh bi hài 7-8 ngân hàng tranh nhau vài cuộn thép của doanh nghiệp lại một lần nữa diễn ra vào nửa cuối năm 2013. Khi đó, hàng loạt ngân hàng lại điều xe, điều người đến canh giữ kho cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân tại Bình Dương.

Kho hàng chỉ còn 1/3 so với lượng hàng đã thế chấp và nhiều bao không chứa cà phê mà chứa rác, vỏ cà phê... Cuối cùng, sự việc đã được chuyển đến cơ quan công an và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Khi vụ án tại Công ty Âu Mỹ được đưa ra xét xử, theo lời khai của bị cáo từng là lãnh đạo doanh nghiệp này, doanh nghiệp đã trà trộn hàng giả, hàng dởm vào số thép dùng thế chấp cho các ngân hàng. Hàng hóa dùng thế chấp cho các ngân hàng thì nhiều, nhưng hàng hóa thực tế trong kho thì không mấy. Các ngân hàng cũng không phân định được đâu là hàng hóa được thế chấp cho khoản vay của chính mình, đâu là hàng hóa được thế chấp cho ngân hàng bạn.

Nguy cơ trùng tài sản đảm bảo với nhiều bên cho vay khác nhau là rủi ro phổ biến nhất khi các ngân hàng nhận loại tài sản bảo đảm này. Trong cùng một kho, với cùng chủng loại hàng, khó có thể phân biệt hàng nào được thế chấp cho ngân hàng nào. Ngân hàng nào cũng có lực lượng giám sát, nhưng rất khó để quản lý tài sản thế chấp khi tất cả đều “trong một rọ”.

Ngoài ra, theo Luật sư Bùi Thị Mai (Công ty Luật Basico), ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khác khi nhận thế chấp hàng hóa luân chuyển như: bên thế chấp chưa có quyền sở hữu hàng hóa nhưng vẫn thế chấp cho ngân hàng (hàng của người khác, mua chưa trả hết tiền,…); hàng hóa bị hư hỏng, bị mất cắp, bị rút ruột; hàng hóa bị gán nợ, bị chủ nợ khác chiếm hữu; gặp hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt,…

Vấn đề là các rủi ro này là rủi ro cố hữu của sản phẩm tín dụng, rất khó để khắc phục. Hiện các ngân hàng đã thắt chặt hơn việc cho vay, nhận bảo đảm bằng hàng tồn kho luân chuyển, sau khi xảy ra một loạt vụ án liên quan đến tranh chấp hàng. Nhưng xét cho cùng, các doanh nghiệp sản xuất vẫn phải vay vốn và tài sản thế chấp cho ngân hàng vẫn là hàng hóa. Vì vậy, ngân hàng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn việc nhận tài sản bảo đảm này.

“Vấn đề khó khăn nhất của ngân hàng hiện nay là thiếu cơ sở hạ tầng về kho bãi để quản lý tài sản thế chấp, dẫn tới việc phải để hàng ở kho của bên thế chấp hoặc bên thứ ba. Điều này là rất rủi ro”, Luật sư Mai cho biết.

Ở một số nước, một số hãng kho vận uy tín chuyên cung cấp dịch vụ làm trung gian gửi giữ hàng hóa. Khi các doanh nghiệp gửi hàng vào kho, họ sẽ được cấp chứng chỉ ghi nhận thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại và sở hữu về hàng hóa. Các doanh nghiệp có thể đem các chứng chỉ này thế chấp vay vốn tại các ngân hàng.

Với uy tín của hãng kho vận, ngân hàng sẽ mặc nhiên ghi nhận các thông tin để nhận thế chấp hàng hóa mà không nhất thiết phải thẩm định trực tiếp hàng. Khi cần xử lý tài sản bảo đảm, chỉ với chứng chỉ này, ngân hàng cũng có thể bán được hàng hóa với sự hợp tác của hãng kho vận qua các thủ tục pháp lý.

Đây là một giải pháp tốt nhưng rất mới tại Việt Nam, khi hầu hết các doanh nghiệp và cả ngân hàng đều chưa quen với tâm lý tin tưởng vào một tờ giấy mà không cần kiểm tra hàng hóa. Do vậy, cần phải có cơ chế pháp lý cho việc triển khai theo mô hình này trên thực tế.

Cũng theo Luật sư Bùi Thị Mai, cần sửa đổi Bộ luật Dân sự và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về “Giao dịch bảo đảm” theo hướng, quy định rõ việc giải quyết hậu quả pháp lý đối với việc bên thế chấp bán tài sản thế chấp trái với thoả thuận với bên nhận thế chấp trong hai trường hợp có và không có đăng ký giao dịch bảo đảm, để hạn chế được sự tuỳ tiện của bên thế chấp khi bán tài sản. Trong trường hợp bán tài sản, bên thế chấp vẫn phải có trách nhiệm bồi thường cho bên nhận thế chấp hoặc giải pháp khác để bù đắp tài sản đã bán.

Tin bài liên quan