Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi: Còn nhiều thắc mắc

(ĐTCK) Tổng cục Hải quan vừa phối hợp cùng Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp (DN) phía Bắc cho Dự thảo Luật Thuế  nhập khẩu, thuế xuất khẩu sửa đổi.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Việc tham vấn ý kiến DN vào dự thảo luật thông qua tập hợp các góp ý và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Hải quan, nhằm đảm bảo rằng dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp đối với thuế xuất khẩu khẩu, từ đó hướng tới thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi thương mại.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành đã triển khai trong 10 năm. Luật đã phát huy được vai trò tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế.  Luật cũng đã tạo ra khung pháp lý minh bạch và rõ ràng cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu về các mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế, cũng như các mặt hàng miễn thuế, giảm thuế, cách tính thuế và hoàn thuế.

Tuy nhiên, trong tình hình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật hiện hành để đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật này là cần thiết để tương thích với Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Đầu tư, Luật Quản lý Thuế và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp định thương mại tự do.

Tại Hội thảo, các vấn đề được DN quan tâm đưa ra thảo luận xoay quanh các nội dung về hợp đồng sửa chữa bảo hành, trong thời hạn bảo hành có phải nộp tiền chậm nộp, thời hạn hoàn chỉnh hồ sơ, vấn đề liên quan đến miễn thuế giống cây trồng vật nuôi, quy định linh hoạt trong thực hiện các loại thuế phòng vệ khác (thuế trả đũa), thuế môi trường, miễn thuế đối với một số loại hàng hóa, thẩm quyền ban hành khung thuế suất…

Theo ông Ngọc Anh, hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện tại TP. HCM vào ngày 7/8. Các ý kiến đóng góp và tham vấn của doanh nghiệp từ hai hội thảo sẽ được Tổ biên tập thu thập và ghi nhận trong các bản dự thảo trình Chính phủ, sau đó trình Quốc hội phê duyệt.

Tin bài liên quan