Đòi nợ, coi chừng phạm tội hình sự

Đòi nợ, coi chừng phạm tội hình sự

(ĐTCK) Đã cho vay thì có quyền đòi nợ, nhưng không ít trường hợp, vì đòi nợ không đúng cách mà chủ nợ phải vướng vòng lao lý.

Vừa qua, TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử vụ án cướp tài sản, 8 bị cáo đã bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất của tội danh này, phạt tù từ 18 - 20 năm, chung thân hoặc tử hình, mà nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của 8 bị cáo bắt nguồn từ việc đòi nợ.

Cụ thể, năm 2003, Vũ Văn Hậu (sinh năm 1953, trú tại Chí Linh, Hải Dương) thành lập CTCP Dịch vụ thương mại Phả Lại. Trong quá trình giao dịch kinh doanh, ông Hậu có quen biết với ông Bùi Đức Vượng (sinh năm 1949, trú tại Hà Đông, Hà Nội).

Năm 2010, ông Vượng bán cho Hậu 100 m2 đất ở đường Lê Văn Lương (thuộc thôn Ngọc Trụ, xã Đại Mỗ), huyện Từ Liêm, Hà Nội, với giá 2 tỷ đồng. Hậu đã trả cho ông Vượng 1,35 tỷ đồng. Đến tháng 12/2012, Vũ Văn Hậu mới biết diện tích đất mua của ông Vượng thuộc diện giải tỏa và chỉ được đền bù 1 triệu đồng/m2. Không những thế, ông Vượng cũng không có giấy tờ gì thể hiện diện tích đất này là tài sản của ông ta.

Sau khi phát hiện có nguy cơ mất trắng mảnh đất, Vũ Văn Hậu đã nhiều lần mời ông Vượng lên làm việc, nhưng ông này đều từ chối. Do đó, Hậu đã nghĩ cách để “bắt nợ” ông Vượng. Hậu nhờ Lê Thị Huệ, một phụ nữ có nhan sắc dụ ông Vượng lên Bắc Ninh, rồi nhờ một số đối tượng xã hội  đưa ông Vượng về Công ty Dịch vụ Thương mại Phả Lại nói chuyện.

Đến ngày 2/1/2013, Huệ gặp ông Vượng ở Quế Võ (Bắc Ninh) thì bị một số cá nhân (do Hậu nhờ) ập vào ép ông Vượng về trụ sở Công ty và buộc ông này ký vào biên bản có nội dung nhận nợ với Hậu 2,2 tỷ đồng, khi nào trả được nợ thì Hậu sẽ trả lại xe và giấy tờ xe. Sau đó, Hậu trả lại chìa khóa xe, điện thoại, ví tiền cho ông Hậu, nhưng giữ lại chiếc xe Mercedes S500 và giấy tờ xe.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Vũ Văn Hậu, Lê Thị Huệ và 6 bị cáo khác đã phạm vào tội cướp tài sản. Với chiếc xe Mercedes S500 được định giá là 4,6 tỷ đồng, các bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất, từ 18 - 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Vũ Văn Hậu đã bị tuyên phạt 18 năm tù. Được biết, đến nay, Vũ Văn Hậu đã qua đời vì bệnh tật.

Đây không phải là trường hợp hiếm hoi khi việc đòi nợ dân sự đi quá đà và phải chịu trách nhiệm hình sự. Ghi nhận từ các văn phòng luật sư cho thấy những vụ việc này không ít. Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, văn phòng này vừa nhận một vụ án liên quan đến việc đòi nợ khoản vay 300 triệu đồng. Do người vay tiền bỏ trốn, con gái của người vay tiền hẹn trả nợ, nhưng không thực hiện, quá bức xúc, chủ nợ đã có hành vi đập phá cửa hàng của con gái người vay tiền. Hành vi này bị cơ quan điều tra xác định là phạm vào tội cướp tài sản và hủy hoại tài sản.

Tương tự như vậy, một vụ việc khác, ban đầu chỉ là việc cho vay dân sự, số tiền vay cũng chỉ 100 triệu đồng. Sau nhiều lần không đòi được nợ, người cho vay đã nhờ vài anh em đi cùng đến nhà người vay tiền buộc người vay tiền phải viết giấy nhận nợ và trả trước 30 triệu đồng. Hành vi này của người đi đòi nợ đã bị cơ quan chức năng xác định phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, trong nhiều trường hợp, bên cho vay đang đúng, đáng lẽ có thể nhờ pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nhưng lại sai lầm trong cách đòi nợ dẫn đến vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, trường hợp vụ án ông Vũ Văn Hậu, đáng lẽ ông Hậu có thể khởi kiện ra tòa án dân sự, đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất là vô hiệu và hai bên phải trả lại nhau những gì đã nhận. Hoặc nếu thấy ông Bùi Đức Vượng có dấu hiệu lừa dối, chiếm đoạt tài sản thì có thể tố cáo ra cơ quan công an. Tuy nhiên, ông Hậu đã chọn cách làm sai lầm là giữ chiếc xe BMW của ông Vượng, hành vi bị cơ quan chức năng xác định là phạm vào tội cướp tài sản.

Quá trình hành nghề, luật sư Hướng cho hay còn rất nhiều vụ án trong lĩnh vực này đều xuất phát từ nhận thức pháp luật kém và bức xúc trong quan hệ vay - cho vay tài sản, dẫn đến những kiểu hành xử tự phát, vi phạm pháp luật hình sự.

Tin bài liên quan