Các DN phải tự xây dựng quy định, quy chế chặt chẽ để sử dụng con dấu hiệu quả

Các DN phải tự xây dựng quy định, quy chế chặt chẽ để sử dụng con dấu hiệu quả

Doanh nghiệp tự quyết con dấu,có lo tranh chấp phát sinh?

(ĐTCK) Từ ngày 1/7/2015, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu; việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty. Bên cạnh nhiều ý kiến tán thành, ủng hộ thì vẫn có không ít băn khoăn về sự "thông thoáng quá mức" này.

Bước đổi mới tư duy về con dấu

Có thể nói, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã có sự thay đổi hẳn tư duy về con dấu và quan điểm sửa đổi này đã nhận được sự tán thành của dư luận, cộng đồng doanh nghiệp.

Người Việt lâu nay vốn quan niệm con dấu là “ngọc tỷ”, chỉ có một cái duy nhất, là bảo chứng cho sự xác thực và hiệu lực của văn bản, văn bản do ai ký không quan trọng bằng việc nó được đóng dấu đỏ, mực son.

Trong khi đó, căn cứ để xác minh tính hợp pháp của văn bản phải là chữ ký, thẩm quyền của người ký, chứ không phải là con dấu, một vật hoàn toàn có thể bị làm giả.

Quy định mới đã khắc phục được bất cập về bảo quản con dấu trước đây. Theo quy định cũ, con dấu phải để ở trụ sở chính của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp phải rong ruổi, bôn ba trên đường kinh doanh, trong nhiều tình huống rất cần tranh thủ ký kết ngay hợp đồng, nhưng lại phải chờ lấy được dấu ở trụ sở chính. Và cũng bởi doanh nghiệp chỉ có một con dấu, nên nếu mang đi thì ở nhà cũng không có con dấu khác để dùng.

Chẳng hạn tình huống mà một doanh nghiệp xây dựng ở Hải Dương phản ánh, người của doanh nghiệp này từng phải đi suốt ngày đêm từ Quảng Bình về Hải Dương để đóng dấu vào hồ sơ thầu rồi lại chạy ngược về Quảng Bình ngay để nộp hồ sơ. Rủi mà đóng dấu sai sót thì coi như doanh nghiệp hỏng luôn một vụ làm ăn lớn.

Những quy định mới về con dấu của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng tương đồng với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam không thể giữ mãi các quy định "đặc thù" có thể biến Việt Nam thành "ốc đảo", làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. 

Còn đó những băn khoăn

Tuy vậy, có không ít doanh nghiệp và ngay cả các cơ quan hành chính nhà nước lo ngại những hành vi lừa đảo, trục lợi, tranh chấp liên quan đến con dấu sẽ phát sinh nhiều hơn khi trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp về hình thức, số lượng, cách quản lý con dấu sau thời điểm Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Với quy định mới, một công ty có thể có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên, con dấu muốn bao nhiêu cũng được, liệu có xảy ra tình huống người đại diện theo pháp luật thứ nhất vừa ký vào văn bản này, được đóng dấu đàng hoàng, người đại diện thứ hai lại ký văn bản khác, cũng được đóng dấu công ty hẳn hoi, nhưng có nội dung trái ngược? Việc giải quyết tình huống này sẽ ra sao?

Còn nữa, việc xử lý những tranh chấp về quản lý, sử dụng con dấu trước kia do cơ quan công an (là cơ quan bảo vệ pháp luật, rất có kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm) nên thường thuận lợi và nhanh chóng, nay việc xử lý những tranh chấp về quản lý, sử dụng con dấu sẽ được thực hiện ở tòa án. Những tranh chấp kiểu này nếu đưa ra tòa án để xử lý có quy trình khá phức tạp, với thời gian xử lý kéo dài...               

Tránh tranh chấp phát sinh, cách nào?

Những cải cách mạnh về con dấu cũng như ngành nghề kinh doanh, quản trị, mua bán doanh nghiệp chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn nhất định khi đi vào thực tiễn, do những tư duy, cách làm cũ không dễ thay đổi trong “một sớm một chiều”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh: "Trong nguyên tắc làm luật, cái gì có lợi ích cho đại thể thì chúng ta phải áp dụng, không thể lấy cái vi phạm của một vài cá nhân, tập thể để bắt tất cả đại thể phải đi theo. Cho nên số ít vi phạm thì chúng ta sẽ có biện pháp, chế tài để xử lý, kiểm soát".

Để ngăn chặn những hành vi lừa đảo khi doanh nghiệp được trao quyền tự quyết về hình thức và cách thức quản lý, bảo quản con dấu, các cá nhân, doanh nghiệp phải lấy chữ ký, thẩm quyền ký, thẩm quyền ban hành văn bản là những căn cứ quan trọng nhất để xác định tính hợp lệ, hợp pháp của văn bản.

Các bên phải có ý thức tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng về đối tác trước khi thực hiện giao kết hợp đồng. Đối với những hợp đồng quan trọng, nên sử dụng tư vấn từ các luật sư, văn phòng công chứng, đội ngũ thừa phát lại để lập vi bằng. 

Hai là, khi được Luật trao quyền tự chủ về con dấu, thì hơn ai hết, các doanh nghiệp phải tự xây dựng quy định, quy chế chặt chẽ để một mặt đạt hiệu quả sử dụng cao nhất, đồng thời đảm bảo được quyền quản lý con dấu, sự an toàn của chính doanh nghiệp.

Việc cho phép doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu không đồng nghĩa với việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng tùy tiện, bừa bãi, mà trái lại, các doanh nghiệp cần tự chủ động bảo vệ mình tốt hơn trước rất nhiều để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Ba là, tăng cường thực hiện chữ ký số, giao dịch điện tử, giảm bệnh "sính" văn bản bằng giấy như hiện nay. Mỗi cá nhân, đơn vị cần phải truy cập vào Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (dangkykinhdoanh.gov.vn) để tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp cũng như  mẫu dấu của doanh nghiệp trước khi làm ăn, ký kết văn bản, hợp đồng.

Các thông tin về doanh nghiệp, mẫu con dấu doanh nghiệp sẽ được đăng tải đầy đủ tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia này. 

Bốn là, Nhà nước cần đẩy mạnh việc tuyên truyền bản chất của việc quản lý, sử dụng, lưu giữ, hình thức, nội dung, số lượng con dấu doanh nghiệp nói riêng cũng như Luật Doanh nghiệp 2014 nói chung. Hiện không ít tờ báo do trích dẫn không đầy đủ có thể dẫn đến cách hiểu không đúng, rằng sau ngày 1/7/2015, doanh nghiệp được bỏ con dấu.

Năm là, cần có chế tài xử phạt nghiêm những hành vi giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu, sử dụng con dấu không đúng thẩm quyền. Được biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Dự thảo lần 3 Nghị định dành hẳn chương III với 4 Điều về quản lý và sử dụng con dấu. Tại khoản 3, điều 23 Dự thảo Nghị định có quy định: “tranh chấp giữa doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan về ngôn ngữ và hình ảnh sử dụng trong nội dung dấu của doanh nghiệp được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Tuy nhiên, vấn đề có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, là giải quyết các tranh chấp liên quan đến quản lý, sử dụng, lưu giữ con dấu, lại chưa được quy định cụ thể tại Dự thảo Nghị định. Điểm này cần được làm rõ trong bản Dự thảo cuối cùng, trước khi trình Chính phủ.

Tin bài liên quan