Các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, văn phòng luật sư, hộ gia đình… không còn là chủ thể tham gia quan hệ dân sự, giao kết hợp đồng

Các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, văn phòng luật sư, hộ gia đình… không còn là chủ thể tham gia quan hệ dân sự, giao kết hợp đồng

Doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình... không được sử dụng tài khoản thanh toán, tháo gỡ cách nào?

(ĐTCK) Các tổ chức không có tư cách pháp nhân tuy không còn là chủ thể của quan hệ dân sự, nhưng lại không thể bị xóa bỏ hoàn toàn tư cách tham gia giao dịch hợp đồng như vay vốn, mở tài khoản

Hợp pháp nhưng bị cấm giao dịch

Trước đây, mọi cá nhân và tổ chức có hay không có tư cách pháp nhân đều có thể được mở tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/3/2018, chỉ cá nhân và pháp nhân mới được mở tài khoản, tức là doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ không còn được giao dịch tài khoản tại ngân hàng theo quy định tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán).

Đầu tháng 2/2018, Văn bản số 05/2018 và ý kiến của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) trên báo chí cho rằng, quy định đối tượng được mở tài khoản chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân (đã được thừa nhận tại Luật Thương mại năm 2005, Luật Luật sư năm 2006, Luật Doanh nghiệp năm 2014…), gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này trong hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng; gây xáo trộn không đáng có trong xã hội, tốn kém về thời gian, chi phí; không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Vậy tại sao lại xảy ra sự cố pháp lý nghiêm trọng như trên đối với các tổ chức đang được thừa nhận và hoạt động hợp pháp, lỗi tại đâu và cần phải xử lý thế nào? Đặc biệt, đây không chỉ là vướng mắc đối với việc mở tài khoản mà là vấn đề chung với các giao dịch huy động, tín dụng, dịch vụ ngân hàng cũng như rất nhiều quan hệ giao dịch dân sự khác.

Quy định của Bộ luật Dân sự

Trước đây, hai Bộ luật Dân sự năm 1995 và 2005 đều thừa nhận 3 loại chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác. Nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 với quy định rất rõ ràng tại Điều 1 về “Phạm vi điều chỉnh” và các điều từ 101 đến 104, đã xóa bỏ các chủ thể khác.

Điều 101 về “Chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

Mục 1, “Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101)”, Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22/11/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)” cũng đã giải thích rõ về việc trên.

Như vậy, từ năm 2017 trở đi, các tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh (trong Luật Doanh nghiệp năm 2014), văn phòng luật sư (trong Luật Luật sư năm 2006), hộ gia đình (trong Luật Đất đai năm 2013)… không còn là chủ thể tham gia quan hệ dân sự, giao kết hợp đồng.

Do đó, chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự không còn là tổ chức, mà phải là chủ doanh nghiệp tư nhân, là trưởng văn phòng luật sư, là các cá nhân thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác cũng như tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Riêng các chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác là bộ phận phụ thuộc của pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự thì thực chất là pháp nhân tham gia. Điều này là hoàn toàn rõ ràng, hợp lý, đúng đắn và cần thiết.

Vướng mắc pháp lý

Tuy Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn cho phép các tổ chức không có tư cách pháp nhân là chủ thể để tham gia quan hệ pháp luật dân sự, nhưng các chủ thể này vẫn được chính thức thừa nhận tại hàng chục đạo luật khác nhau, được cho phép thành lập, hoạt động và công nhận bằng các quy định, thủ tục, giấy tờ pháp lý, nên không thể bị loại bỏ hoàn toàn và vẫn phải được ghi nhận trong các giao dịch dân sự.

Vì vậy, kể từ ngày 1/3/2018, việc Thông tư số 32/2016/TT-NHNN và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng) quy định doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không còn là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và vay vốn tại các tổ chức tín dụng là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, nếu xóa bỏ hoàn toàn tư cách và tên gọi của các chủ thể này trong giao dịch vay vốn, mở tài khoản, thì lại trái ngược, vô hiệu hoá nhiều đạo luật khác, đồng thời rất bất hợp lý, gây ra sự xung đột, khó khăn, cản trở, vướng mắc cho cả khách hàng, ngân hàng cũng như các cá nhân, pháp nhân khác liên quan.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đúng ở chỗ là không thừa nhận chủ thể giao dịch, nhưng lại sai ở chỗ loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Ngược lại, Bộ Tư pháp thì đã đúng ở chỗ là thừa nhận không thể xóa bỏ các tổ chức không có tư cách pháp nhân, nhưng lại sai ở chỗ vẫn thừa nhận đó là các chủ thể tham gia quan hệ dân sự như trước đây.

Giải pháp xử lý

Có thể khẳng định, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bản chất pháp lý, còn các luật khác quy định về tên gọi loại hình của các chủ thể giao dịch. Vì vậy, không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các đạo luật khác quy định về các chủ thể là tổ chức phi pháp nhân, mà cần phải hiểu và kết hợp được đồng thời cả bản chất và loại hình để xử lý đúng quan hệ vay vốn, mở sử dụng tài khoản và các giao dịch khác.

Do đó, về mặt tên gọi, cần phải được giữ nguyên theo giấy tờ giao dịch đúng với tên doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật. Còn về mặt bản chất ký hợp đồng và trách nhiệm pháp lý thì xử lý các chủ thể này như với cá nhân, chứ không phải đương nhiên như với các chủ thể quan hệ dân sự như trước kia.

Như vậy, vừa đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vừa phù hợp với các đạo luật khác và không hề gây ra vướng mắc, rủi ro pháp lý. Việc này cũng giống như các pháp nhân có thể giao dịch với các tên gọi rất khác nhau như tập đoàn, nhà máy, trường học, khách sạn, bệnh viện, hợp tác xã… 

Tin bài liên quan