"Doanh nghiệp nên chủ động, không nên cái gì cũng phát công văn hỏi"

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi đề cập đến quyền “được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” mà pháp luật đã trao cho doanh nghiệp.

Đề nghị Chính phủ xem lại yêu cầu về xác nhận của cơ quan quản lý liên quan đến nội dung quảng cáo vẫn đang được Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam theo đuổi

Đề nghị Chính phủ xem lại yêu cầu về xác nhận của cơ quan quản lý liên quan đến nội dung quảng cáo vẫn đang được Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam theo đuổi

Các hiệp hội doanh nghiệp bàn cách để các quy định đang được mong chờ của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không bị xâm phạm.

Đại diện một doanh nghiệp bám riết ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong giờ giải lao Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và CIEM tổ chức vào ngày 13/5). Câu hỏi là sau ngày 1/7/2015, doanh nghiệp làm thế nào để kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.

“Chúng tôi có phải gửi văn bản hỏi các cơ quan quản lý nhà nước liên quan không khi muốn kinh doanh thêm những ngành nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu không hỏi, cứ làm, thì khi cơ quan quản lý hỏi đến, chúng tôi phải xử lý thế nào”, vị đại diện (không muốn cho biết tên) đặt các tình huống cho Viện trưởng CIEM.

Cũng phải nói rõ, trước đó, ông Cung đã kêu gọi các doanh nghiệp ý thức được quyền “được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” mà pháp luật đã trao cho.

“Các doanh nghiệp phải chủ động trong nghiên cứu và thực thi pháp luật, không nên cái gì cũng phát công văn hỏi. Ngay cả với các điều kiện kinh doanh không còn đủ cơ sở tồn tại sau ngày 1/7/2015, doanh nghiệp phải cập nhật để thực hiện ngay. Cơ quan nào không thực hiện thì doanh nghiệp có thể kiện”, ông Cung đề nghị.

Song, doanh nghiệp vẫn có quá nhiều nỗi lo. Như vị đại diện doanh nghiệp trên trao đổi ngoài lề, thì rủi ro cho doanh nghiệp rất lớn nếu tất cả cơ quan quản lý nhà nước không cùng nghĩ như vậy. Hơn thế, cơ chế kiện mà ông Cung nhắc đến cũng không dễ thực hiện.

“Không mấy doanh nghiệp dám ra mặt kiện các cơ quan quản lý nhà nước, dù biết là có quyền, vì lo ngại sẽ bị ‘để ý’ trong quá trình hoạt động tiếp sau, chưa kể chi phí thời gian và tiền bạc”, vị đại diện này chia sẻ.

Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam không ngại ngần lên tiếng về các điều kiện kinh doanh đủ loại, kể cả văn bản lẫn điều kiện… bằng miệng, song cũng phải thừa nhận, trong các cuộc họp với sở văn hóa - thể thao và du lịch, doanh nghiệp muốn kêu cũng không dám, toàn nhờ hiệp hội kêu hộ, nhưng cũng không giải quyết được vì chẳng ai trả lời.

“Sau 2 năm thực hiện Luật Quảng cáo, chúng tôi tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, kiến nghị các giải pháp gửi tới 10 bộ, ngành từ tháng 12/2014. Qua 6 tháng, chúng tôi mới nhận được 2 hồi âm là bảo lưu các quy định, còn lại là mất tăm. Hiện giờ, chúng tôi vẫn đang đeo đuổi đề nghị Chính phủ xem lại yêu cầu về xác nhận của cơ quan quản lý về nội dung quảng cáo. Đây là một bước lùi trong quản lý kinh doanh quảng cáo”, ông Hùng phân tích.

Đây cũng là điều mà các luật sư Công ty Luật Allens đã dự liệu khi gửi một bản khá dài kiến nghị liên quan đến các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.

“Luật Doanh nghiệp không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp đang đề nghị doanh nghiệp phải ghi ngành nghề trong giấy đề nghị đăng ký và phải thông báo cho cơ quan cấp phép khi có thay đổi. Chúng tôi kiến nghị làm rõ việc thông báo này chỉ mang tính thủ tục và không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của các giao dịch do doanh nghiệp thực hiện liên quan đến ngành nghề kinh doanh đó”, LS. Nguyễn Bích Ngọc của Công ty Allens kiến nghị.

LS. Ngọc lo ngại vì trong bản dự thảo mới nhất Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, không rõ quy định về việc thông báo này có phải là điều kiện tiên quyết để thực hiện các ngành nghề kinh doanh không, các giao dịch thực hiện trước khi thông báo này có bị vô hiệu không.

Một tuần trước, VCCI cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị giữ nguyên tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, quy định không phải ghi mã ngành nghề kinh doanh là bước tiến lớn của Luật Doanh nghiệp cần được tôn trọng trong các văn bản hướng dẫn. Chúng tôi mong muốn các nội dung của Nghị định sẽ đảm bảo đầy đủ và thực hiện được mà không cần tới thông tư hướng dẫn”, ông Tuấn đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, ông Cung thừa nhận, tình trạng mỗi năm, mỗi bộ ban hành 600-700 thông tư, văn bản điều hành như hiện tại thì dù luật, nghị định có ổn định, doanh nghiệp cũng chết vì rối rắm, nhất là khi các văn bản điều hành thường được ban hành theo hướng giải quyết sự vụ.

“Còn sự vụ, còn xin - cho. Chúng tôi đang thực hiện xây dựng các dự thảo hướng dẫn Luật Doanh nghiệp theo hướng không cần phải ban hành thêm thông tư hướng dẫn”, ông Cung cam kết.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Cung cho rằng, cần đặt cao sự giám sát của hệ thống tư pháp với hành pháp và lập pháp, để đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp khi bị vi phạm. “Khi đó, quyền khởi kiện của doanh nghiệp sẽ phát huy tác dụng. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể lờ đi các quy định của pháp luật”, ông Cung nói.

Tin bài liên quan