Thị trường kỳ vọng việc sửa đổi Bộ luật Dân sự sẽ gỡ nút thắt cho vay đảm bảo bằng động sản

Thị trường kỳ vọng việc sửa đổi Bộ luật Dân sự sẽ gỡ nút thắt cho vay đảm bảo bằng động sản

Đẩy mạnh cho vay có tài sản đảm bảo là động sản, chờ tín hiệu từ Quốc hội

(ĐTCK) Cho vay có tài sản bảo đảm là động sản chỉ được triển khai dè dặt trong hệ thống ngân hàng, do tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt liên quan đến hành lang pháp lý. Để có chuyển động mạnh mẽ hơn trong nghiệp vụ tín dụng này, thị trường đang chờ đợi những bước đi quan trọng từ việc sửa đổi Bộ luật Dân sự...

Cho vay tài sản bảo đảm là động sản, hay nhưng vẫn ngại

Theo dữ liệu điều tra DN của Ngân hàng Thế giới (WB), ở các nền kinh tế phát triển, tới 2/3 các khoản vay được bảo đảm bằng động sản và phần còn lại là các khoản vay có bảo đảm bằng bất động sản. 

Còn theo ông Simon Thompson, chuyên gia về tài trợ vốn có bảo đảm là động sản của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản là hình thức cấp tín dụng an toàn và đơn giản, tỷ lệ nợ xấu thấp nếu biết cách điều hành khoản vay. Điều này dựa trên việc cập nhật thông tin tài chính về tài sản đảm bảo, tăng sự kiểm soát đối với các khách hàng có vấn đề và lợi nhuận thu về cao đủ bù đắp rủi ro.

“Cho vay có tài sản bảo đảm là động sản giúp khối DN vừa và nhỏ (SME) thuận lợi hơn trong huy động vốn sản xuất và đây chính là động lực cho sự phát triển của hầu hết các nền kinh tế. Do vậy, hình thức tài trợ vốn này được Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ nhằm tăng nguồn cung vốn cho SME”, ông Simon Thompson nói.

Tại các ngân hàng Việt Nam, các sản phẩm cho vay với tài sản bảo đảm là động sản của các ngân hàng khá đa dạng. Động sản được dùng làm tài sản bảo đảm khá đa dạng, nhưng tựu trung trong các nhóm: máy móc thiết bị, hàng hóa, phương tiện vận tải, giấy tờ có giá, tiền gửi. Tuy nhiên, cho vay có tài sản bảo đảm là động sản mới chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn: 28% tổng dư nợ năm 2014.

Lý giải về điều này, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO cho rằng: “Các ngân hàng còn e ngại với việc cho vay thế chấp bằng động sản. Điều này có nguyên nhân chủ yếu là việc xử lý tài sản đảm bảo bằng động sản còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Luật sư Hải phân tích, các quy định về xử lý tài sản đảm bảo vẫn còn thiếu rõ ràng. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm còn gặp nhiều khó khăn do sự thiếu hợp tác của các bên. Việc thông báo cho chính quyền địa phương về việc xử lý tài sản bảo đảm cũng gây ra nhiều bất lợi cho bên nhận bảo đảm khi bên bảo đảm có ý định tẩu tán tài sản. Hơn nữa, do động sản có thể có ở nhiều nơi và có thể tồn tại dưới hình thức tài sản vô hình nên việc thông báo này không có ý nghĩa. 

Gỡ nút thắt từ Bộ luật Dân sự

Bà Nguyễn Xuân Thảo, Giáo sư Trường Luật McKinney, Đại học Tổng hợp Indiana (Mỹ) đồng thời là chuyên gia về giao dịch đảm bảo của IFC cho rằng, trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam không thể đi ngược lại thông lệ quốc tế, được thể hiện ở Hướng dẫn lập pháp về giao dịch bảo đảm của Ủy ban Luật thương mại quốc tế Liên hợp quốc (UNCITRAL).

Theo bà Thảo, liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm là động sản, Việt Nam có thể tham khảo hướng dẫn của UNCITRAL về ba điều kiện để bên nhận bảo đảm tự mình thu giữ tài sản bảo đảm là động sản. Thứ nhất, các bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm về việc bên nhận bảo đảm được quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm; Thứ hai, bên nhận bảo đảm đã thông báo cho bên bảo đảm, bên thứ ba giữ tài sản bảo đảm về việc vi phạm nghĩa vụ dẫn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm và về việc bên nhận bảo đảm sẽ tiến hành thu giữ tài sản (nhưng không cần ghi rõ thời gian, địa điểm, phương thức thu giữ); Thứ ba, tại thời điểm thu giữ, bên bảo đảm, bên thứ ba giữ tài sản bảo đảm không chống đối.

Bà Thảo khuyến nghị, để gỡ nút thắt về quy định pháp lý cho xử lý tài sản đảm bảo là động sản của các ngân hàng, trong Bộ luật Dân sự sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tới đây, cần bỏ điều kiện bên nhận bảo đảm phải thông báo cho UBND cấp xã, nơi có động sản. Bên cạnh đó, cần thay thế điều kiện “không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội” bằng điều kiện “tại thời điểm thu giữ, bên bảo đảm, bên thứ ba giữ tài sản bảo đảm không chống đối và việc thu giữ không xâm phạm trật tự, an toàn xã hội”. Bởi quy định như dự thảo hiện nay là quá rộng, có thể được viện dẫn tùy tiện để cho rằng việc bên nhận bảo đảm tự mình thu giữ tài sản là không hợp pháp, trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 301, Bộ luật Dân sự theo hướng quy định rõ bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm bằng cách khởi kiện ra tòa án hoặc tự xử lý bằng các phương thức: bán tài sản bảo đảm; nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ; khai thác, sử dụng, cho thuê hoặc chuyển quyền sử dụng tài sản bảo đảm; trực tiếp thu nợ từ bên thứ ba có nghĩa vụ trả nợ cho bên bảo đảm, nếu tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ; định đoạt tài sản bảo đảm theo phương thức khác.

Cần quy định rõ là bên nhận bảo đảm có quyền thực hiện đồng thời các phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác nhau nhằm tối đa hóa giá trị thu được từ tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định việc bán tài sản bảo đảm phải tuân thủ tiêu chí “tính hợp lý về thương mại” để giải quyết tranh chấp liên quan đến giá bán tài sản bảo đảm. “Tính hợp lý về thương mại” có nghĩa là bên nhận bảo đảm phải định đoạt (bán) tài sản bảo đảm một cách hợp lý về thời gian, địa điểm tổ chức bán, về phương thức quảng cáo, thông báo để tìm người mua, về các hành vi bên nhận bảo đảm cần thực hiện sau khi thu giữ tài sản và trước khi bán tài sản (bảo quản, sửa chữa, làm sạch tài sản…), để bán được tài sản với giá cao nhất có thể. Tiêu chí này được đánh giá tùy theo từng trường hợp cụ thể, đối với từng loại tài sản cụ thể.

Cũng theo bà Thảo, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và tối đa hóa giá trị kinh tế của các giao dịch bảo đảm, Việt Nam cần xây dựng và ban hành luật về giao dịch bảo đảm, tại đó quy định bốn trụ cột chính của giao dịch bảo đảm bao gồm thiết lập giao dịch bảo đảm, xác lập tính pháp lý của giao dịch bảo đảm, xác lập tính đối kháng với bên thứ ba trong giao dịch bảo đảm và các thứ tự ưu tiên trong thanh toán của các bên được bảo đảm.

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Hải khuyến nghị, nên khôi phục lại việc ban hành một văn bản luật riêng áp dụng cho bảo đảm tiền vay của các TCTD. Chẳng hạn, trước thời điểm Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực, việc nhận bảo đảm tiền vay của ngân hàng có nhiều thuận lợi, khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định riêng về nhận bảo đảm tiền vay của riêng các TCTD.

Việc có đẩy mạnh được cho vay có tài sản đảm bảo bằng động sản hay không, thị trường đang chờ tín hiệu từ Quốc hội, khi Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dự kiến được thông qua vào ngày 24/11 tới.

Tin bài liên quan