Đại học Hoa Sen "nổi sóng", vì sao?

Đại học Hoa Sen "nổi sóng", vì sao?

Mô hình đại học phi lợi nhuận, hay đại học vì lợi nhuận là vấn đề then chốt gây “sóng gió” nội bộ tại một số trường đại học.

Nổi cộm gần đây nhất là trường hợp của Trường Đại học Hoa Sen, khi nhóm cổ đông sở hữu 30% vốn đã triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, với nội dung chính là bãi nhiệm Hội đồng Quản trị (HĐQT) đương nhiệm và bầu HĐQT mới vào ngày 2/8.

Đại học Hoa Sen từ trường bán công trở thành trường đại học tư thục vào năm 2007, với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Tới thời điểm 30/9/2013, vốn điều lệ của Trường đã là gần 94 tỷ đồng, chủ yếu do phát hành thêm cổ phiếu thưởng cho cổ đông và vốn chủ sở hữu là 180 tỷ đồng, tăng 7 lần so với năm 2007.

Hàng năm, Trường đều chi trả cổ tức bằng tiền mặt đạt mức trung bình là 13%, (riêng năm 2013 đạt 20%). Ngoài ra, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, đạt mức trung bình 25%/năm. Tức là, từ năm 2006 đến hết năm 2013 (năm tài chính kết thúc 30/9/2013), Đại học Hoa Sen đã chia cho cổ đông gần như toàn bộ tài sản tích luỹ thông qua việc chia cổ tức. 

Bên cạnh đó, với mục tiêu hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận ngay từ đầu, Trường đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước. Trường đã được Nhà nước giao 1.500 m2 đất ở đường Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành (quận 1, TP.HCM) và 9.600 m2 đất tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM), cho vay gói hỗ trợ kích cầu để xây dựng trụ sở và cơ sở giảng dạy. Cộng tất cả giá trị đất mà Nhà nước giao cho Đại học Hoa Sen, thì khối tài sản cả hữu hình lẫn vô hình (uy tín, thương hiệu trường…) đã lên tới cả ngàn tỷ đồng.

Các cổ đông có lẽ vẫn yên tâm với cổ tức thu được từ việc đầu tư vào Trường Đại học Hoa Sen, nếu không có việc, Nghị định 141/2013/NĐ - CP có hiệu lực từ 10/12/2013.

Theo Nghị định này, các cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận, thì mức cổ tức không vượt quá lãi suất của trái phiếu chính phủ, đồng thời, chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng năm của trường là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Điều này ảnh hưởng lớn đến một bộ phận cổ đông vốn đã quen nhận cổ tức cao và được xem là nguyên chính dẫn đến hành động triệu tập cổ đông bất thường của nhóm cổ đông sở hữu nhằm bãi nhiệm HĐQT và Hiệu trưởng đương nhiệm.

Nhìn lại cơ cấu cổ đông của trường lúc mới chuyển thành đại học tư thục, CBCNV và giảng viên nhà trường nắm giữ 51% vốn, 10% được dành cho các giảng viên thỉnh giảng lâu năm, 39% bán cho 5 nhà đầu tư chiến lược bên ngoài. Nhưng cơ cấu đó không giữ được lâu, đến thời điểm này, nhóm cổ đông tuyên bố sở hữu hơn 30% vốn và muốn thực thi quyền của cổ đông lớn, khi nhìn thấy HĐQT đương nhiệm định hướng khác với mong muốn của họ.

Xét trong một công ty cổ phần hoạt động dựa trên nguyên tắc đối vốn, thì điều này không sai, quyền quyết định đương nhiên thuộc các cổ đông nắm cổ phần đa số. Tuy nhiên, đối với mô hình trường đại học phi lợi nhuận thì quy định tổ chức ĐHCĐ và biểu quyết theo tỷ lệ vốn góp lại tạo nên mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và nhà giáo dục. Bởi rõ ràng, trong trường hợp của Đại học Hoa Sen, tổng tài sản được tạo nên còn phụ thuộc rất lớn từ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành, nhà đầu tư đang dần thực hiện được chủ trương là, biến Đại học Hoa Sen, vốn được hình thành từ một ý tưởng phi lợi nhuận, với một khoản viện trợ không hoàn lại từ phía Chính phủ Pháp, sự đóng góp tài chính và cơ sở vật chất của Nhà nước thành tài sản cá nhân.

“Thực tế là, Trường đã trở thành tài sản cá nhân”, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, bà Bùi Trân Phượng nói. 

Nên hay không nên khi áp dụng vào mô hình đại học phi lợi nhuận như hình thức hợp tác xã. Đó là, “quyền biểu quyết ngang nhau, không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”.

Cụ thể hơn là, không còn cơ chế Đại hội cổ đông như hiện nay, mà sẽ là Đại hội đồng toàn trường, trong đó bao gồm nhà đầu tư, HĐQT, Ban Kiểm soát, đại diện cán bộ giảng viên… Và với trường hợp hiện hữu như Đại học Hoa Sen, có lẽ cần có một lộ trình thoái vốn phù hợp cho những nhà đầu tư chưa hiểu rõ, hoặc cố tình không hiểu định hướng phi lợi nhuận của Trường.

Trong một diễn biến khác, mới đây, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Trân Phượng cho biết, Đại học Hoa Sen đã chuẩn bị đầy đủ năng lực tài chính để mua lại số cổ phiếu của các cổ đông bên ngoài. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay (ngày 29/8/2014), vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho thấy, Đại học Hoa Sen sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng phi lợi nhuận, hay Trường sẽ vận hành theo định hướng mới, phù hợp với ý muốn của nhóm cổ đông sở hữu 30%.

Tin bài liên quan