Theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh đã tự ý rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng tại VNCB

Theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh đã tự ý rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng tại VNCB

Đại án VNCB: Bài học khách “VIP”

(ĐTCK) Phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần xét hỏi trong ngày 4/1.

Phần xét hỏi làm rõ hành vi liên quan đến việc rút 5.190 tỷ đồng, nhưng không có chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản và rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng 5.490 tỷ đồng đã hé lộ câu chuyện đáng chú ý.

Vì áp lực kinh doanh, các nhân viên ngân hàng có “ngàn lẻ một” câu chuyện chăm sóc khách hàng “VIP”. Trong đó, việc mang tiền tất toán đến tận nhà, hay cho khách nợ chữ ký chứng từ là khá phổ biến. Tuy nhiên, sự thuận tiện của khách VIP có thể dẫn đến hành vi trục lợi của cán bộ ngân hàng.

Câu chuyện khách hàng VIP một lần nữa trở thành bài học lớn trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, chỉ riêng nội dung 5.490 tỷ đồng liên quan đến nhóm Trần Ngọc Bích đã chiếm phần lớn thời gian xét hỏi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mâu thuẫn trong các lời khai về việc rút khống khoản vay 5.490 tỷ đồng.

Cụ thể, cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh cho rằng, bị cáo không chỉ đạo chuyển tiền, bản án sơ thẩm chưa xem xét hành vi này, nhưng bị cáo Hoàng Đình Quyết - nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn một lần nữa khẳng định, bị cáo nhận được chỉ đạo miệng của Phạm Công Danh và việc chuyển số tiền 5.190 tỷ đồng là thỏa thuận giữa Phạm Công Danh và bà Trần Ngọc Bích - người đứng tên các sổ tiết kiệm và đại diện vay tiền. Về vấn đề này, bà Trần Ngọc Bích khẳng định, bà không có bất kỳ thỏa thuận gì với các bị cáo.

Trước chất vấn của đại diện Viện Kiểm sát về lý do vì sao tiền của nhóm bà Bích lại được chuyển vào tài khoản của bị cáo Phạm Công Danh, bà Bích cho rằng, bà cho bà Phạm Thị Trang vay tiền, sau đó bà Trang chỉ định các tài khoản chuyển tiền, trong đó có các tài khoản của bị cáo Danh.

Trước đó, trong phiên xét xử phúc thẩm đầu tiên vào ngày 27/12/2016, bà Trang từ Mỹ đã có đơn xin xử vắng mặt. Trả lời thẩm vấn, bà Trần Ngọc Bích cho biết, khoản tiền 5.190 tỷ đồng liên quan đến nhiều khoản vay. Trong đó, khoản vay 3.100 tỷ đồng ngày 21/6/2013 là cho bà Phạm Thị Trang vay. Ngày 21/8/2013, bà Trang trả tiền để bà Bích tất toán khoản vay trước đó.

Viện Kiểm sát thẩm vấn bị cáo Hoàng Đình Quyết và theo trả lời của bị cáo Quyết, tài sản thế chấp cho các khoản vay bằng sổ tiết kiệm, tổng số tiền trong sổ tiết kiệm khoảng 5.600 - 5.800 tỷ đồng. Việc giải ngân cho vay, bị cáo Quyết tiếp tục khẳng định, là do chỉ đạo của Phạm Công Danh. Khi vay, khách hàng không trực tiếp đến Ngân hàng mà thông qua người đại diện là ông Vũ Anh Tuấn.

Luật sư bào chữa cho Hoàng Đình Quyết thẩm vấn Phạm Công Danh liên quan đến văn bản của Hội đồng quản trị VNCB về việc phê duyệt cho vay 3.100 tỷ đồng, trong khoản tiền 5.190 tỷ đồng. Trả lời luật sư, cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh nhắc lại việc mình đã trình bày nhiều lần và cho rằng, bị cáo không chỉ đạo, không yêu cầu ai chuyển số tiền trên.

Liên quan đến vấn đề này, bị cáo Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB cho biết, việc chuyển số tiền đó có thể nhìn thấy số liệu trên hệ thống máy tính. Việc chuyển tiền của Hoàng Đình Quyết mà không có chữ ký của khách hàng, theo bị cáo Mai, là được lãnh đạo Ngân hàng thông cảm, do thời điểm đó áp lực thanh khoản lớn nên phải làm mọi cách để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Về chủ trương này, bị cáo Phan Thành Mai cho hay, ai cũng biết.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Mai Hữu Khương - cựu Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn có vai trò là cùng Phạm Công Danh và Phan Thành Mai thực hiện biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 21/8/2013 và 26/8/2013 về việc phê duyệt cho vay 3.100 tỷ đồng và 2.090 tỷ đồng bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm.

Trả lời luật sư liên quan đến khoản tiền 3.100 tỷ đồng, Mai Hữu Khương cho biết, có ký vào 2 biên bản họp Hội đồng quản trị để hợp thức hóa việc cho vay 3.100 tỷ đồng, nhưng việc ký hai văn bản là cùng lúc và ký khi việc giải ngân đã hoàn thành. Khương cho rằng, bị cáo liên đới gây thiệt hại số tiền 5.100 tỷ đồng là không đúng.

Phiên tòa phúc thẩm dự kiến kéo dài đến ngày 25/1/2017.             

Theo nội dung vụ án, VNCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương, phương án tái cơ cấu. Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB.

Danh đã chỉ đạo thuộc cấp tại VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ, đề án khống nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hồ sơ thuê hai mặt bằng tại Sư Vạn Hạnh và Tô Hiến Thành (TP.HCM), ủy thác đầu tư cổ phiếu Tập đoàn Thiên Thanh qua Quỹ Lộc Việt… để rút tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. Hệ quả, VNCB bị thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng.

Sau hơn 50 ngày xét xử sơ thẩm, ngày 9/9/2016, tòa án tuyên Phạm Công Danh 30 năm tù và phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng gốc và lãi do thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB, Phan Thành Mai 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù, Nguyễn Quốc Viễn 9 năm tù. Có 23 bị cáo chịu án tù từ 3 - 7 năm và 8 bị cáo được hưởng án treo.

Sau đó, Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án. Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết  và 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự cũng có đơn kháng cáo.

Tin bài liên quan