Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện lập bệnh án khống, rút 27 tỷ đồng

Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện lập bệnh án khống, rút 27 tỷ đồng

(ĐTCK) Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố bị 3 can gồm Trương Anh Kiệt (SN 1959, ở TP. HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện), Phạm Văn Sửu (SN 1965, ở TP. HCM, nguyên Kế toán trưởng Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện) và Trương Bích Nguyệt (SN 1962, ở Kiên Giang, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện).

Theo kết luận điều tra, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện là đơn vị y tế sự nghiệp có thu thuộc Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông (VNPT), có trụ sở tại quận 10, TP. HCM. Nguồn thu chủ yếu là tiền viện phí, bảo hiểm y tế và kinh phí cấp hỗ trợ của VNPT cho đối tượng là cán bộ thuộc biên chế VNPT.

Trong quá trình quản lý, điều hành bệnh viện, ông Kiệt cùng bà Nguyệt và ông Sửu đã lợi dụng việc các đoàn cán bộ của các đơn vị đến bệnh viện khám rồi về trong ngày để lập khống hồ sơ, bệnh án, kê khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú. Từ đó lập báo cáo thực hiện chỉ tiêu chuyên môn và báo cáo tài chính để quyết toán khống của VNPT hơn 27 tỷ đồng kinh phí.

Ông Trương Anh Kiệt thừa nhận có chủ trương lập khống hồ sơ, bệnh án, nâng khống ngày điều dưỡng, điều trị nội trú để rút tiền của VNPT là do ông này chỉ đạo và thực hiện trong toàn bệnh viện.

Hình thức chỉ đạo thể hiện tại các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn cho từng năm do chính ông Kiệt ký giao cho các khoa, chỉ tiêu này là quá cao, không đúng thực tế khả năng của các khoa.

Trong các cuộc họp, tuy ông Kiệt không nói thẳng là lập khống hồ sơ bệnh án để rút tiền của Tập đoàn, nhưng tại các cuộc họp này, ông Kiệt yêu cầu các khoa phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã giao.

Ông Kiệt cũng thừa nhận, trong các năm 2009, 2010 và 2011, các khoa tại cơ sở 2, Bệnh viện đã lập khống tổng số 13.077 hồ sơ bệnh án điều dưỡng, điều trị nội trú, tương ứng với 131.960 ngày khống và quyết toán hơn 27 tỷ đồng của VNPT, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Ngoài ông Kiệt, hai cá nhân khác là bà Trương Bích Nguyệt, và ông Phạm Văn Sửu bị xác định đã giúp ông Kiệt trong việc triển khai, thực hiện quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch cho các khoa chuyên môn và lập khống các loại giấy tờ để lấy tiền của VNPT.

Theo kết luận điều tra, số cán bộ có tên trong hơn 13.000 hồ sơ bệnh án khống nằm tại 95 đơn vị bưu chính, viễn thông thuộc VNPT đóng trên địa bàn 32 tỉnh, thành. Các Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phòng, Phó phòng của các đơn vị này đã ký vào phiếu xác nhận điều dưỡng nhưng không biết việc lập hồ sơ bệnh án khống, chưa phát hiện những người này được hưởng lợi. Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm.

Tin bài liên quan