Cuộc “vây bắt doanh nghiệp” lạ lùng ở Vũng Tàu: Có dấu hiệu lạm quyền?

Cuộc “vây bắt doanh nghiệp” lạ lùng ở Vũng Tàu: Có dấu hiệu lạm quyền?

Vụ việc Công ty Phước Hòa Fico (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang cải tạo hồ chứa nước mưa phục vụ sản xuất thì bị lực lượng chức năng tới phạt và tịch thu máy móc, khiến công ty này không thể tiếp tục hoạt động và nhiều doanh nghiệp khác hoang mang.     

Vụ thu giữ lạ lùng

Theo hồ sơ và tường trình gửi Báo Đầu tư, đại diện Công ty Phước Hòa Fico cho biết, năm 2003, được sự chấp thuận của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty đã mở nhà máy đá ốp lát chuyên sản xuất đá lát, đá bó vỉa hè… tại xã Phước Tân, huyện Tân Thành. Để phục vụ sản xuất, Công ty đã xin phép và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho cải tạo, sử dụng một hồ nước phía sau nhà máy để cung cấp nước làm mát và thu hồi bột, bột đá trong quá trình cưa cắt sản phẩm đá.

Sau 13 năm sử dụng hồ chưa được nạo vét, nên lòng hồ bị bồi đắp khá nhiều. Ngày 28/4/2016, Công ty thuê 2 máy xúc nạo vét lòng hồ để cải tạo hồ chứa nước mưa phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, ngày 29/4, khi đang nạo vét lòng hồ thì một tổ công tác của huyện Tân Thành, trong đó có ông Nguyễn Xuân Khải, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã đến hiện trường, lập biên bản vi phạm hành chính và thu giữ 2 máy đào. 

Điều hết sức lạ là, trong biên bản lập tại đây, đoàn đã yêu cầu Công ty Phước Hòa Fico phải giải trình vụ việc với Phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc trước 16 giờ 30 phút ngày 4/5/2016.

Ngày 12/5, phóng viên Báo Đầu tư xuống hiện trường vụ việc, hai chiếc máy xúc đã bị xã tịch thu đưa về trụ sở UBND xã. Nhà máy đóng cửa, hơn 20 công nhân của Công ty không có việc làm, hồ chứa nước rộng gần 1 ha khô cạn, bị bồi đắp gần bằng mặt nền nhà máy.

Ông Nguyễn Minh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Phước Hòa Fico cho biết, nhà máy đã ngưng hoạt động vì không có nước sản xuất, mỗi ngày doanh nghiệp lại mất thêm gần 10 triệu đồng tiền thuê 2 máy xúc trên và mùa mưa sắp tới nếu hồ không được nạo vét để chứa nước mưa phục vụ sản xuất, thì nhà máy phải đóng cửa, đền hợp đồng với các đối tác vì không có hàng giao.

“Chúng tôi thực hiện nạo vét tại hồ nằm trong phạm vi của Công ty thì không cần phải xin phép chính quyền vì chỉ là nạo vét cải tạo, chứ có xây dựng gì đâu”, ông Hiệp lý giải.

Doanh nghiệp hoang mang

Mang hồ sơ trên trao đổi với luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt, luật sư Phượng cho rằng, biên bản xử phạt và thu giữ nêu trên có nhiều điều vô lý và có dấu hiệu vượt quyền.

"Ở đây có dấu hiệu lạm quyền và xử lý vượt cấp, nếu chính quyền vô cớ xử phạt kiểu này thì dễ dẫn tới việc doanh nghiệp bị “ép tử”, vì không thể tiếp tục sản xuất" - Luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt.

Theo luật sư Phượng, căn cứ Điều 45, Nghị định 142/2013NĐ-CP thì việc Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ định doanh nghiệp giải trình với Phó chủ tịch tỉnh là hoàn toàn sai, vì cấp phó không có thẩm quyền xử phạt và việc doanh nghiệp cải tạo lại hồ nước để chứa nước mưa phục vụ sản xuất là hết sức bình thường. Ngoài ra, việc thu giữ máy móc của doanh nghiệp với số tiền lớn (2 máy xúc trị giá gần 1 tỷ đồng) cũng sai. Đặc biệt, chiếu theo Thông tư 173/2013/TT-BTC, nếu xã giữ máy móc của doanh nghiệp mà làm hư hỏng hay mất mát thì xã phải đền doanh nghiệp.

“Ở đây có dấu hiệu lạm quyền và xử lý vượt cấp, nếu chính quyền vô cớ xử phạt kiểu này thì dễ dẫn tới việc doanh nghiệp bị “ép tử”, vì không thể tiếp tục sản xuất”, luật sư Phượng nói.

“Khi chúng tôi lên gặp ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giải trình vụ việc, thì ông Quốc cũng bất ngờ, vì ông không nắm được vụ việc cho đến khi doanh nghiệp tới gặp. Đồng thời, ngày 9/5, ông Quốc đã ra Văn bản khẩn số 3063/UBND-VP gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tân Thành, Công ty Phước Hòa Fico và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc UBND huyện Tân Thành, Công ty Phước Hòa Fico để kiểm tra hồ sơ vụ việc, báo cáo kết quả và đề xuất UBND tỉnh giải quyết theo quy định”, ông Hiệp cho biết.

Liên hệ với ông Nguyễn Xuân Khải, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, ông cho biết là đã hết trách nhiệm với vụ việc. Đến thời điểm này, vụ việc vẫn chưa có hướng giải quyết, doanh nghiệp đành đóng cửa nhà máy và công nhân phải nghỉ việc.

Sau vụ “vây bắt doanh nghiệp” được cho là vô cớ trên, không ít doanh nghiệp trên địa bàn cũng hoang mang.

Ông Ngô Văn Phụng, Giám đốc Công ty Sản xuất gạch không nung tại TP. Bà Rịa chia sẻ, doanh nghiệp ông thường xuyên bị kiểm tra, dù có đầy đủ giấy phép hoạt động cũng như kinh doanh. Theo ông Phụng, với thực tế như vụ việc xử phạt Công ty Phước Hòa Fico, thì công ty ông cũng có thể vô tình bị xử phạt, dừng hoạt động bất cứ lúc nào.

Báo Đầu tư sẽ thông tin thêm về vụ việc trong các bản tin tiếp theo.

Tin bài liên quan