Có nhiều kỷ niệm với những phóng viên pháp luật khi theo dõi phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm

Có nhiều kỷ niệm với những phóng viên pháp luật khi theo dõi phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm

Chuyện tác nghiệp nơi cửa tòa

(ĐTCK) Người thường ngại chốn tụng đình, nhưng với cánh phóng viên theo dõi mảng pháp luật thì chuyện “cắm rễ” ở tòa chẳng có gì là lạ. Và cũng có biết bao đoạn trường với phóng viên gắn mình với công việc ở chốn lao xao.

1. Còn nhớ, hồi năm 2012, khi đưa tin về phiên xét xử vụ án tham ô xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng gây thất thoát hơn 300 tỷ đồng của Nhà nước, bị bắt theo lệnh truy nã, bị truy tố vì tội tham ô, với khung hình phạt tử hình.

Từ trước đó một tuần, nhóm phóng viên pháp đình đã rậm rịch rủ nhau lấy giấy giới thiệu của tòa soạn để được cấp thẻ tham dự phiên tòa. Vừa làm thủ tục vừa “hóng hớt” với lãnh đạo văn phòng TAND Hà Nội: “Báo em làm công văn xin 2 thẻ, chị tạo điều kiện nhé!”, nhưng câu trả lời chắc nịch mà chúng tôi nhận được là “mỗi báo chỉ được cử một phóng viên tham dự, các báo cứ đăng ký danh sách, khi nào cấp thẻ mới biết báo nào được báo nào không”!

Trước phiên xử một ngày, đúng hẹn, 10h sáng, các phóng viên điểm danh trước cửa phòng lãnh đạo Văn phòng Tòa, nhưng phòng khóa cửa. Gọi điện thì nhận được lời khất, danh sách chưa xong, chúng tôi đang họp để duyệt, mời phóng viên chiều quay lại. Vậy là đành đi về, chiều quay lại. Cầm được tấm thẻ tham dự phiên tòa, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, yên tâm sáng mai đến sớm để tác nghiệp.

Ngày xét xử đầu tiên, từ 6h sáng, các phóng viên lục tục có có mặt ở TAND Hà Nội, cố chụp mấy tấm ảnh xe phạm vào tòa, lại hy vọng chụp được tấm ảnh bị cáo Dương Chí Dũng. Nhưng mọi “mánh khóe” mà các phóng viên từng xài trong các phiên tòa trước đều vô dụng bởi Tòa án bố trí cho các phóng viên đi vào một cổng, những người tham gia tố tụng đi cổng khác.

Sau khi qua cổng thì hàng rào an ninh dựng lên ở khắp nơi kèm theo cán bộ hỗ trợ tư pháp ngồi canh để đảm bảo không phóng viên nào có thể… nhầm đường. Chúng tôi chỉ có một lối vào phòng báo chí, các lối đi có thể dẫn lên phòng xử, vốn được các phóng viên ngày ngày đi lại ở tòa thuộc lòng, đều có sắc phục màu xanh chốt chặn.

Gần 8h, chúng tôi mới được cho vào phòng báo chí, nhưng chẳng mấy chốc các phóng viên đã bị dồn cục trước khi qua cổng kiểm tra an ninh. Loáng thoáng câu trao đổi của những người phía trước khiến người phía sau nhao hết cả lên: Sao cơ? Gửi hết đồ á? Hóa ra nhân viên an ninh yêu cầu các phóng viên chỉ được mang giấy bút vào tác nghiệp.

Tất tần tật các thiết bị công nghệ, lâu nay gắn chặt với hoạt động tác nghiệp của phóng viên như máy tính, thiết bị 3G, máy ghi âm, máy ảnh, điện thoại trong thời buổi cạnh tranh thông tin từng phút đều phải phải gửi bên ngoài.

Lời than vãn râm rân khắp nơi, thế này thì tường thuật kiểu gì? Động tác tiếp theo là rút điện thoại báo cáo về tòa soạn tình hình như vầy như vầy… Nhưng than vãn gì thì chúng tôi vẫn phải nhanh chóng vào phòng tác nghiệp, chỉ là ghi chép điên cuồng và không thể tường thuật nhanh theo kiểu cứ F5 là có nội dung mới.

Hết phần thủ tục tố tụng, khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân bắt đầu công bố cáo trạng thì các phóng viên rút, lấy đồ nghề, người vội thì ngồi phệt ngay bậc tam cấp gõ tin, người thì ra quán café bắt đầu chuyển tin tức về phiên tòa đặc biệt này rồi lại phải nhanh chóng quay lại tòa. 12h30 khi Hội đồng xét xử tuyên bố nghỉ trưa lại vội vàng làm tin. Ăn trưa xong thì cũng đã 1h30, đến giờ làm việc buổi chiều.

Tâm điểm chú ý của vụ án là Dương Chí Dũng sẽ khai những gì, phóng viên phải căng tai để nghe bởi âm thanh tivi truyền hình phiên xử trong phòng báo chí quá nhỏ. Nhưng chốc chốc có người phải nhấp nhổm chạy ra ngoài lấy thiết bị gõ tin truyền về tòa soạn, rồi lại chạy vào nghe tiếp.

Hội đồng xét xử chỉ tuyên bố dừng phiên tòa khi đã quá 6h tối. Nếu có laptop, vừa nghe vừa gõ thì sau khi hội đồng xét xử tuyên bố nghỉ, tin bài cũng viết hòm hòm. Nhưng giờ đây, chúng tôi khóc ròng nhìn cả chục trang giấy ghi tay. Lại ra quán café kỳ cạch gõ gõ, sửa sửa để có những tin tức nóng nhất về phiên xử cho báo điện tử. Kết thúc công việc cũng 9 giờ tối, vừa đói vừa mệt lết về nhà trong tiết trời đông lạnh buốt.

Đến ngày thứ hai, an ninh tại tòa được nới lỏng hơn, các phóng viên được mang các thiết bị công nghệ vào. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, không phải tiếp tục một ngày hành xác, chạy ra chạy vào, vội vàng làm tin. 

2. Sau này, các phiên tòa trọng án ở Hà Nội như bầu Kiên, Dương Tự Trọng…, phóng viên không còn gặp lại cảnh tác nghiệp theo kiểu “truyền thống” nữa, nhưng vẫn phải một phen cất công lấy giấy giới thiệu, photo thẻ nhà báo nộp cho văn phòng tòa để chờ cấp thẻ mới được vào đưa tin.

 Nhưng đến cấp phúc thẩm Dương Chí Dũng, vẫn còn chuyện “choáng” hơn chờ phóng viên. Trước phiên tòa, nhóm phóng viên pháp đình lại rủ nhau đến nộp giấy giới thiệu. Cán bộ Tòa án gặp chúng tôi rất xởi lởi, các anh chị cứ về đi, hôm trước phiên xử mang giấy giới thiệu đến lấy thẻ. Chúng tôi hỉ hả ra về, thầm bảo, Tòa Tối cao có khác.

Nhưng đến hôm lấy thẻ, cán bộ Tòa tối cao chìa cho chúng tôi danh sách vẻn vẹn 22 báo. Khi chúng tôi giãy nảy lên hỏi “danh sách lập trên căn cứ nào?”, “sao không có báo em”, câu trả lời là “Tòa không lên danh sách các báo, danh sách do cơ quan quản lý báo chí lập. Anh chị có ý kiến gì thì đề xuất với bên đó”.

Lần này thì đúng là phóng viên khóc thật. Không được vào theo dõi phiên xử thì sẽ chỉ nắm được thông tin phiên xử nhờ… đọc báo bạn. Trong khi tại thời điểm đó, việc Dương Chí Dũng có được giảm án tử hình hay không là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, không phải khi nào chuyện tác nghiệp ở tòa cũng gặp khó khăn thủ tục. Khoảng tháng 3/2014, tôi có may mắn được theo dõi một phiên tòa xét xử “đại án nghìn tỷ” ở Tây Nguyên.

Cảm giác dễ chịu không chỉ ở khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên, khác hẳn với điều kiện những ngày đông tê cóng chân tay hay ba bốn chục phóng viên chen chúc trong căn phòng chưa đầy 30m2 trong tiết trời hè oi bức, không điều hòa, không có tín hiệu 3G, đến cái ổ cắm điện cũng phải “chia lửa” cho nhau, mà còn do thủ tục tham dự phiên tòa thông thoáng hơn nhiều. Trước giờ xét xử, phóng viên trình giấy giới thiệu với thư ký phiên tòa, mang giấy đi đường lên văn phòng cộp dấu. Phóng viên được dành một hàng ghế trong phòng xử, chụp ảnh thoải mái, miễn không ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, wifi đầy ắp. 

3. Nhưng tất cả những chuyện trên cũng chỉ liên quan đến điều kiện tác nghiệp, nội dung của nhiều vụ án kinh tế mới thực sự là thử thách với các phóng viên. Hàng loạt khái niệm chuyên ngành cũng khiến cánh phóng viên toát mồ hôi.

Chẳng hạn như trong “đại án bầu Kiên”, hàng loạt khái niệm trong cáo trạng phóng viên phải tìm hiểu: Thế nào là đầu tư? Thế nào là kinh doanh? Thế nào là kinh doanh vàng tài khoản, là kinh doanh giá vàng, rồi thì ủy thác, góp vốn, bán khống…

Nhưng đọc cáo trạng thấy phức tạp một thì đến phiên tòa, sự phức tạp đó được nhân lên nhiều lần qua nội dung thẩm vấn, qua trình bày của các bị cáo, qua những luận điểm mà luật sư đưa ra.

Cùng một câu hỏi, Hội đồng xét xử hỏi nhiều bị cáo. Mỗi bị cáo, vốn là những người có trình độ cử nhân, thạc sỹ, từng du học trời Tây, có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp quy mô hàng đầu Việt Nam lại có trình bày riêng, có phần giống nhau, có phần khác nhau. Những nội dung này khiến phóng viên xoay mòng mòng, vừa vất vả thẩm thấu các khái niệm kinh tế, thực tiễn kinh doanh, vừa phải theo sát diễn biến phiên tòa, tường thuật nhanh.

Làm phóng viên pháp đình nhiều năm, càng cảm nhận được hệ thống pháp luật nhiều chỗ phức tạp, không đồng bộ, không thống nhất. Cáo buộc kinh doanh trái phép, nhưng bị cáo bào chữa là “tôi đầu tư”. Rồi bao tranh cãi quanh chuyện thiết bị 83M là ụ nổi hay tàu biển. Còn nữa, ngân hàng thừa tiền, ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền. Đúng hay sai, có vi phạm pháp luật hay không?

Có biết bao câu chuyện mà các phóng viên vẫn còn nhắc mãi với nhau trong những ngày “bám” cửa tòa, đưa những thông tin nóng hổi trong lĩnh vực tư pháp đến độc giả. Cũng không ít lần thấy lòng trĩu nặng khi chứng kiến những bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, mà nguyên nhân lại chẳng xuất phát từ lòng tham, sa ngã trước sức cám dỗ của đồng tiền, đơn giản chỉ vì quá non nớt, thiếu hiểu biết pháp luật, vô tình làm sai dẫn tới hậu quả thất thoát tài sản của doanh nghiệp, tổ chức.

Tin bài liên quan