Chuyện không chỉ là thuế đánh vào bia của Sabeco

Chuyện không chỉ là thuế đánh vào bia của Sabeco

(ĐTCK) Liên quan đến chuyện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp thêm hơn 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt và Sabeco có phải nộp số thuế này hay không đang chờ phán quyết của Bộ Tài chính, giới chuyên gia bày tỏ một góc nhìn đáng quan ngại.

Đừng để Thông tư “to” hơn Luật

“Tôi phát biểu ý kiến ở đây không đứng về phía bên nào. Điều tôi muốn nói là việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế của Sabeco được xem là một trường hợp điển hình liên quan đến câu chuyện cải cách thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh…”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mở đầu phần chia sẻ ý kiến của mình tại cuộc Tọa đàm về thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco, do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam vừa tổ chức.

Theo ông Cung, trong nền kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân phải là chủ đạo. Cùng với đó, sở hữu và quyền sở hữu tài sản phải được minh định rõ ràng và phải được bảo vệ chắc chắn, để NĐT, DN yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Vì thế, những quy định tác động trực tiếp đến quyền tài sản và quyền sở hữu tài sản phải được quy định bởi cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội, để đảm bảo tính ổn định lâu dài và thật minh định, nhằm bảo vệ được tài sản của người dân.

Thuế là một trong những quy định trực tiếp ảnh hưởng đến tài sản của người dân, DN, NĐT, nên nội dung này phải được quy định chặt chẽ, rõ ràng tại các luật về thuế, chứ không phải bị chi phối chủ yếu bởi các thông tư của Bộ Tài chính như hiện tại. Vì như vậy sẽ không đảm bảo được tính chắc chắn và ổn định, cũng như không bảo vệ tốt quyền sở hữu tài sản của người dân.

“Để khắc phục những hạn chế hiện tại, giảm thiểu rủi ro về thuế cho người dân, DN, NĐT, sắp tới, các quy định về thuế cần phải hoàn toàn được quy định bằng luật do Quốc hội ban hành. Có như vậy mới tránh được tình trạng giải thích luật tùy tiện, gây ảnh hưởng đến sở hữu tài sản của người dân và DN. Mỗi sự thay đổi về mức thuế phải nộp như trường hợp của Sabeco, có thể làm phá sản DN, NĐT bị sạt nghiệp…”, ông Cung quan ngại.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, hiện hệ thống pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt rất phức tạp, với khoảng 38 văn bản và sắp tới tăng lên 40 văn bản, thì không riêng các luật sư chuyên về thuế, mà ngay cả các chuyên gia về thuế cũng không biết đâu mà lần, huống gì DN…

“Các văn bản hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ngày càng xa luật. Do luật khung, luật ống, nên các văn bản dưới luật tha hồ diễn giải. Luật có nguy cơ bị bẻ, bị uốn. Hệ quả là DN phải nộp thuế nhiều hay ít là do văn bản hướng dẫn quyết định, chứ không phải do luật quy định. Dứt khoát Quốc hội phải quyết thu thuế bao nhiêu, chứ không thể ủy quyền cho ai khác...”, ông Đức khuyến nghị. 

Lách luật không phải là phạm luật

Liên quan đến ý kiến cho rằng, Sabeco thành lập nhiều công ty con, cháu… để tìm cách lách thuế, theo ông Cung, việc DN khai thác kẽ hở của chính sách để làm lợi cho họ là hoàn toàn tự nhiên. Đứng trước tình huống này, với trách nhiệm của mình, cơ quan quản lý nhà nước phải tìm kiếm những công cụ để hạn chế, ngăn ngừa DN lách luật.

“Với trường hợp của Sabeco, nếu nói họ vi phạm, thì phải chỉ rõ vi phạm vào điều khoản của luật nào. Lách luật không phải là phạm luật. Không thể vì kẽ hở của luật mà đẩy rủi ro cho người dân, DN, khiến họ cảm thấy bất an. Không có chuyện một hệ thống luật pháp không có kẽ hở…”, ông Cung nói và cho rằng, Sabeco là một DN lớn, hiện có đại diện phần vốn Nhà nước là Bộ Công thương, nên mới có thể nói lên những bức xúc của họ, vậy nếu rơi vào một DN nhỏ, một người dân bình thường thì biết kêu ai?

Khẳng định mình không phải là chuyên gia về thuế, nhưng là chuyên gia về pháp luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, lách luật hay lách thuế không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Lỗ hổng pháp luật nước nào cũng có, vấn đề là nhiều hay ít mà thôi. Trách nhiệm của các nhà làm luật là phải làm sao để lỗ hổng đó càng nhỏ, càng ít thì càng tốt, để tránh bị lách.

“Tôi không biết Sabeco có chuyên gia pháp lý không, chứ với các DN nước ngoài, họ có hệ thống pháp chế rất mạnh với nhiều luật sư giỏi để không chỉ giúp DN tuân thủ luật pháp tốt, mà còn tìm ra lỗ hổng của pháp luật để lách theo hướng có lợi cho họ nhất. Điều này không xấu, mà là chuyện bình thường…”, ông Cương nhìn nhận.

Tin bài liên quan