“Cái rào” bị thủng

“Cái rào” bị thủng

(ĐTCK) Đại án tại Agribank đưa ra xét xử tuần qua thêm một lần nữa để công luận hiểu về những góc khuất trong hoạt động ngân hàng.

Ngành ngân hàng cũng là ngành dẫn đầu trong danh sách các “đại án” được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua. Tất cả cho thấy tầm nghiêm trọng của công tác quản trị rủi ro nói chung và rủi ro đạo đức nói riêng trong hoạt động ngân hàng.

Về lý thuyết, ngân hàng chịu rất nhiều loại rủi ro khác nhau, chia làm 3 nhóm chính là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Rủi ro đạo đức liên quan tới tác nghiệp của nhân viên ngân hàng chỉ là một trong rất nhiều loại rủi ro hoạt động, nhưng thiệt hại thì bao giờ cũng vào loại lớn nhất.

Theo dõi chi tiết các vụ xét xử trong ngành ngân hàng, một điểm chung có thể rút ra là quy trình quản lý của ngân hàng “nghe chừng” rất chặt chẽ, mỗi quyết định hầu hết đều phải có rất nhiều tầng nấc phê duyệt. Khi mà nhiều con mắt tham gia giám sát thì đúng ra việc cố tình sai phạm sẽ được hạn thế tối đa, nhưng…

Tại vụ án tại Agribank đang được xét xử là một minh chứng rất rõ cho việc này. Trong danh sách các bị cáo có từ lãnh đạo cao cấp từ nguyên Tổng giám đốc tới cấp thấp là chuyên viên tín dụng tại chi nhánh. Tức là có cả một hệ thống cùng mắc sai phạm để rồi cùng bị truy tố.

Điều đáng chú ý là bị cáo nào cũng có lý do để biện minh cho hành động của mình, và điểm chung của lý do lại chính là quy trình cấp tín dụng đã được… tuân thủ!

“Cái rào” để quản lý cho vay đã bị thủng bởi chính những người góp phần xây lên “cái rào” đó.

Câu hỏi là tại sao “cái rào” bị thủng?

Điểm nhấn trong rất nhiều vụ án ngành ngân hàng là những khoản tiền rất lớn, có khi cả triệu USD mà doanh nghiệp đi vay vốn “nhờ chi hộ” và những khoản tiền hàng tỷ đồng mà doanh nghiệp “cám ơn các anh chị”.

Những lời “cám ơn” hay những cái “bì thơ” đủ sức nặng để chọc thủng bất cứ hàng rào nào đã được dựng lên.

Trong hầu hết các vụ án, lợi ích cá nhân của một bộ phận cán bộ quản lý đã chi phối hành động và các quyết định cho vay hay phê duyệt dự án. Lợi ích có thể chỉ là rất nhỏ, nhưng đã khiến ngân hàng mất đi hàng nghìn tỷ đồng.

Phòng ngừa rủi ro đạo đức trong ngân hàng thế nào? Câu trả lời được đưa ra trong hàng nghìn công trình nghiên cứu trong cả trăm năm qua tại bất kỳ quốc gia nào có hệ thống ngân hàng. Xét xử nghiêm minh có lẽ mới chỉ là điểm đầu của “3 không”: không muốn, không dám và không thể.

Chỉ khi nào làm được “3 không” đó, cái rào mà mỗi ngân hàng dựng lên mới không thể chọc thủng.

Tin bài liên quan