Các doanh nghiệp sữa bất ngờ bị truy thu thuế 1.000 tỷ đồng

Các doanh nghiệp sữa bất ngờ bị truy thu thuế 1.000 tỷ đồng

Tổng cục Hải quan bất ngờ yêu cầu đổi mã số mặt hàng Anhydrous Milkfat kéo mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 5% lên 15% và ước tính, các doanh nghiệp sữa sẽ bị truy thu thuế 1.000 tỷ đồng.

Ngày 30/11, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa nguyên liệu đã đồng loạt ký tên vào bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính để phản đối công văn thay đổi mã số không có căn cứ đối với mặt hàng dầu bơ khan và buộc các doanh nghiệp phải nộp lại thuế nhập khẩu chênh lệch của mặt hàng này từ năm 2010 đến nay.

Cụ thể, từ năm 2000 đến nay các doanh nghiệpnhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (AMF) hoặc cách gọi khác là Anhydrous Butterfat do Tập đoàn Fontera của New Zealand sản xuất dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo tài liệu Quy chuẩn Codex (CODEX STAN 280-1973) của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia VN (QCVN 5-4:2010/BTY), Tiêu chuẩn quốc gia VN (TCVN 8434:2010) thì tên gọi Anhydrous Milkfat hay Anhydrous Butterfat là như nhau, sản phẩm này chính là dầu bơ khan hay gọi cách khác là chất béo khan của bơ hay cách gọi khác là chất béo khan từ sữa, mã số là 0405.90.10.

Từ năm 2000, tất cả các công ty nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất như CTCP Sữa Hà Nội, Nutifood, FrieslandCampina... khi nhập khẩu mặt hàng này về đều thực hiện khai báo, gửi mẫu đi phân tích để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo... Tất cả các kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều xác định mặt hàng Anhydrous Milkfat có mã số là 0405.90.10 với mức thuế suất nhập khẩu là 5%.

Tuy nhiên, ngày 24/11 vừa qua, Tổng cục Hải quan đột ngột có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thu thuế mặt hàng Anhydrous Milkfat theo mã 0405.90.90, thuế suất nhập khẩu là 15%, và khi chuyển sang bộ phận kiểm tra sau thông quan xử lý, thì sẽ truy thu thuế từ năm 2010.

Đáng nói hơn, việc truy thu thuế lại được thực hiện trong thời gian rất gấp, điển hình như một Công ty sữa lớn ở Việt Nam đã bị Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Chi cục Hải quan TP.Hải Phòng) yêu cầu phải nộp bổ sung đủ tiền thuế chênh lệch trong 5 năm qua chỉ trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra thông báo. Theo ước tính của các doanh nghiệp, nếu thay đổi mức thuế từ 5% ban đầu lên đến 15% thì số tiền truy thu lên đến 1.000 tỷ đồng.

Ngày 27/11, đại diện Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam đã gửi công hàm đến Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) khẳng định: “Sản phẩm Anhdyrous Milkfat nhập khẩu vào Việt Nam từ New Zealand phải được phân loại theo mã HS 04059010 dựa trên căn cứ khoa học và Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam và New Zealand đã cam kết và đã được áp dụng trước đó”.

Tại công văn khẩn cấp, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan hải quan không ban hành các quyết định ấn định thuế và thu hồi các thông báo yêu cầu nộp bổ sung thuế đối với mặt hàng nguyên liệu sữa nói trên, thực thi pháp luật một cách nhất quán, rõ ràng và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan